Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Hãy học tập vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Hãy học tập vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”

(SGGPO). – Hôm nay, 15-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Lễ khai giảng năm 2014-2015 của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội.
 
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm học 2014-2015 là năm học có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 20 và 29 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ và về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế tri thức, giáo dục đại học nói chung, ĐHQG Hà Nội nói riêng, có trách nhiệm đóng góp tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tạo đà bước vào kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu chiến lược là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học 2014-2015 tại ĐHQG Hà Nội

Để hoàn thành trọng trách đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra 5 nhiệm vụ lớn đối với ĐHQG Hà Nội cũng như các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, gồm đổi mới quản trị đại học; đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; và hiện đại hóa cơ sở vật chất.

Trong đó, đáng chú ý về đổi mới quản trị đại học, Thủ tướng cho rằng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng nền giáo dục đại học, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp trong đó thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá. “ĐHQG Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, năng động, trí tuệ, tài năng của tập thể lãnh đạo, của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, tích cực thực hiện vững chắc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đào tạo, bộ máy tổ chức - cán bộ, về tiền lương, thu nhập, về chi thường xuyên, chi đầu tư... tạo động lực và điều kiện để phát triển nhanh và bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

 

Vị thế của ĐHQG đã không ngừng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới. Năm 2014, được Tổ chức xếp hạng đại học uy tín trên thế giới (QS) xếp vào nhóm 161 các đại học hàng đầu Châu Á, trong đó ba lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và quản lý; Công nghệ và kỹ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 100 trường hàng đầu Châu Á.

Vừa qua, Chính phủ đã quyết định thành lập trường Đại học Việt - Nhật thuộc ĐHQG Hà Nội, tạo điều kiện cho việc giao lưu học thuật, tiếp thu công nghệ tiên tiến, quản trị đại học hiện đại, góp phần nâng cao uy tín và tạo thêm động lực cho quá trình hội nhập quốc tế của ĐHQG Hà Nội nói riêng và giáo dục đại học Việt Nam nói chung.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu ĐHQG Hà Nội đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động của nhà trường với các doanh nghiệp và thực tế đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại và hội nhập quốc tế.
 
Về phát triển đội ngũ, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang hoàn thiện và sẽ sớm thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp - nhất là tạo điều kiện để các trường đại học tự chủ - chủ động trong việc thu hút các giảng viên, nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học; đãi ngộ, tôn vinh các nhà giáo, các nhà khoa học tâm huyết, tài năng, có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp chung của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, mỗi cấp học, bậc học có nội dung, phương thức đổi mới phù hợp, song toàn ngành giáo dục Việt Nam đều có mục tiêu chung là hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện làm chủ thể sáng tạo và động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc. “Tôi tha thiết mong rằng, ngay trong năm học này, ĐHQG Hà Nội cũng như tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp.

Nhà trường vừa là trung tâm giáo dục vừa phải là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển suốt đời. Đây là nhiệm vụ trung tâm của tổ chức Đảng, Ban Giám hiệu, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên; là nhiệm vụ cao cả của các thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên nhà trường; là hướng tu dưỡng, phấn đấu tự nguyện, tự giác của mỗi học sinh, sinh viên. Tôi mong rằng, các em hãy luôn hăng say học tập, với tất cả tâm huyết và trách nhiệm, vì bản thân mình, gia đình mình, vì đất nước và dân tộc, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”. - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục