Phấn đấu đi trước, về đích trước

Trung đoàn 308 - Một dấu son lịch sử
Phấn đấu đi trước, về đích trước

Kỷ niệm 69 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2014)

23-9-1945 đi vào lịch sử là Ngày Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc chiến đấu gian lao mà anh dũng trong suốt 30 năm của Sài Gòn, Nam bộ đi trước về sau. Nền độc lập tự do mà Cách mạng Tháng Tám mang lại vỏn vẹn có 28 ngày ngắn ngủi, quý giá. Người dân Sài Gòn, Nam bộ vùng lên cùng cả nước bảo vệ nền độc lập tự do ấy bằng cuộc kháng chiến trường kỳ cho tới ngày vui đại thắng 1975.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945).

Những ngày này của 69 năm về trước, người dân Sài Gòn và Nam bộ hừng hực khí thế của “Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần nữa. Nhân dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Nhân dân Sài Gòn triệt để thực hiện tổng đình công, nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ búa đóng cửa, xe điện ngưng chạy... Vòng vây quân sự cùng với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bất ngờ ngay những ngày đầu kháng chiến. Tiếng súng kháng chiến của Sài Gòn làm chấn động cả nước. Phong trào Nam tiến xuất hiện, thanh niên phía Bắc và Trung bộ tình nguyện vào Nam đánh giặc.

Ngày 27-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến vì độc lập tự do của Tổ quốc với tinh thần “thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Đáp lời kêu gọi của Bác, nhân dân Nam bộ đánh trả quyết liệt, tạo điều kiện củng cố chính quyền, chuẩn bị kháng chiến toàn quốc. Tháng 2-1946, Bác Hồ tặng Nam bộ danh hiệu Thành đồng Tổ quốc.

Tự hào với truyền thống kiên cường của Sài Gòn, của Nam bộ, của tinh thần đoàn kết vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn phấn đấu để có những đóng góp xứng đáng vào mục tiêu chung. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, là một đầu tàu kinh tế, TP luôn năng động, sáng tạo, góp phần có ý nghĩa vào việc xây dựng cơ chế, chính sách đổi mới đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo và đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. TP đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư xây dựng, bộ mặt TP ngày càng khang trang, hiện đại.

Tuy nhiên, TP cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Kinh tế phát triển chưa bền vững; đời sống một bộ phận dân cư còn chưa ổn định; trật tự, an toàn xã hội, an toàn thực phẩm còn là nỗi lo của người dân; tham nhũng, lãng phí còn gây bức xúc, cơ sở hạ tầng vẫn còn quá tải…

Vấn đề đặt ra là cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, tránh chung chung, dàn trải, tăng tốc thực hiện có hiệu quả các chương trình, công trình trọng điểm. Cán bộ lãnh đạo - quản lý, đảng viên cùng nhau nêu gương tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tận tâm phục vụ nhân dân.

Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, TP cần tăng cường hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PHẠM PHƯƠNG THẢO


Trung đoàn 308 - Một dấu son lịch sử

Ngày 23-9-1945, nhân dân Nam bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 13-3-1946, Khu Bộ trưởng Nguyễn Bình ký sắc lệnh thành lập Chi đội 15 tỉnh Chợ Lớn, do đồng chí Huỳnh Văn Một làm chi đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Hượt làm chi đội phó. Chi đội 15 có ba tiểu đoàn là 922, 923, 924, trong đó Tiểu đoàn 924 Võ Văn Tần của Đức Hòa do đồng chí Nguyễn Văn Phú làm tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 924 Võ Văn Tần hoạt động địa phận Đức Hòa, ngoài việc tổ chức các trận đánh để lấy súng ống còn lập ra một tổ chức chuyên bí mật trộm súng trong đồn địch hoặc của những tên lính mất cảnh giác.

Một trong những chiến công lớn nhất của Chi đội 15 là giải tán Đệ Tam sư đoàn, tàn quân của Nhật khi chúng vượt sông Vàm Cỏ - Đức Hòa về Sài Gòn đầu hàng thực dân Pháp. Đệ Tam sư đoàn có 10.000 quân do tên Nguyễn Hòa Hiệp chỉ huy. Trong trận phục kích chặn đánh nhóm tàn quân này, ta thu được hàng trăm súng trang bị cho Chi đội 15 và du kích các xã, tiếp đó Đức Hòa tiến hành xây dựng khu căn cứ địa theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

Thực hiện chủ trương của Khu 7, tháng 3-1948 Chi đội 15 được cải tổ lại thành Trung đoàn 308 gồm bốn tiểu đoàn trực thuộc là 921, 922, 923, 924 và bảy đội biệt động. Đặc biệt trong Trung đoàn 308 còn có một đội nữ binh, phần đông là phụ nữ Đức Hòa do chị Dương Thị Huệ chỉ huy. Thời kỳ này ở Đức Hòa có mở lớp huấn luyện quân sự cho phụ nữ, mỗi khóa một tháng, đã đào tạo được 50 nữ chiến sĩ.

Giữa tháng 4-1948, Trung đoàn 308 đã lập công bằng trận đánh thực dân Pháp nổi tiếng ở Láng Le, Bàu Cò. Sau trận tiến công đồn bót ở khu vực Bà Hom, Chợ Đệm, Phú Lâm, một bộ phận của Trung đoàn 308 là tiểu đoàn 923, 924, đội nữ pháo binh Đức Hòa cùng Chi đội 6, Chi đội 12 rút quân về Láng Le, Bàu Cò. Sáng hôm sau, quân Pháp càn vào trận địa của ta nên hàng trăm tên lính đã bị diệt. Do lực lượng ta mỏng hơn và thiếu đạn dược nên trận đánh chỉ kéo dài đến 3 giờ chiều, ta rút quân khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng. Các đơn vị phải vượt sông ban ngày trong tầm hỏa lực dày đặc của địch.

Trong điều kiện khó khăn ác liệt đó, đội nữ pháo binh đã chứng tỏ được sự dũng cảm, chị Dương Thị Huệ đã bình tĩnh chỉ huy toàn đội vượt sông an toàn đưa 20 thương binh về tuyến sau. Trong trận này còn có sự tham gia của bộ đội địa phương, du kích các xã đã tự động tấn công địch để hỗ trợ các đơn vị. Tuy đây chỉ là trận chống càn nhưng quân ta thắng lớn: Diệt gần 300 tên lính Âu Phi, bắt sống hàng chục tên, thu 67 súng, 1 máy vô tuyến điện. Về phía ta, hy sinh 20 đồng chí, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hạo, Tiểu đoàn 924. Sau trận này, quân Pháp không dám càn quét sâu vào các vùng căn cứ của Đức Hòa nữa.

Thời gian sau này, súng ống đạn dược của lực lượng tập trung và dân quân, du kích thiếu nghiêm trọng. Khu bộ và Tỉnh ủy Chợ Lớn đã chỉ đạo Đức Hòa tận dụng các cơ sở sản xuất vũ khí, xây dựng các công binh xưởng. Từ nguồn phế liệu sẵn có ở địa phương, ta đã chế được nhiều loại vũ khí như súng cối 69 ly, trung đoàn bắn thử nghiệm vào đồn Bàu Trai đạt độ chính xác cao. Ta còn chế tạo được thủy lôi đem đánh thử tại Hậu Thạnh - sông Vàm Cỏ làm tàu Pháp phải quay ngang bỏ chạy.

Ngoài ra, một số hóa chất được nhân dân ủng hộ, bí mật chuyển từ Sài Gòn về. Ngành quân giới đã gánh vác sứ mạng quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét cho lịch sử quân giới của Đức Hòa trong những năm đầu kháng chiến. Chính từ nguồn vũ khí tự tạo này mà quân và dân ta duy trì được hoạt động của du kích thường xuyên và rộng rãi trong suốt năm 1948.

Cuối năm 1948, Trung đoàn 308 đẩy mạnh và mở rộng hoạt động ở Bàu Trai, Đức Lập đã thúc đẩy phong trào du kích phát triển mạnh hơn. Cùng với quân đội, ngành công an Đức Hòa cũng tăng cường hoạt động trừ gian, diệt ác, lập tòa án xét xử bọn ác ôn có nhiều tội ác với nhân dân. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, lực lượng võ trang Đức Hòa còn có hai nhiệm vụ quan trọng: bảo vệ hành lang nối liền Nam - Bắc Chợ Lớn, miền Đông và Tây Nam bộ, bảo vệ các đoàn vận tải hàng trăm người trên tuyến đường từ kênh Ba đến căn cứ Long Nguyên, Lộc Thành. Về mặt tổ chức, lực lượng vũ trang là lực lượng địa phương của Đức Hòa nhưng nhiệm vụ mang tầm cao hơn như là lực lượng của tỉnh Chợ Lớn và Khu 7. Đặc biệt, đơn vị nữ pháo binh đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước chống giặc của tầng lớp phụ nữ, làm cho phong trào ngày càng mạnh mẽ, nhất là về mặt chính trị xã hội.

Bước sang năm 1949, do tình hình chiến trường Nam bộ có những thay đổi lớn ảnh hưởng đến việc xây dựng và hoạt động của các lực lượng vũ trang Đức Hòa, quân Pháp có những điều chỉnh lớn về chiến lược và thủ đoạn chiến tranh. Chúng lập ra những đảng phái chính trị, phân loại ba vùng quân sự để áp dụng nhiều thủ đoạn, củng cố lại hệ thống đồn bót, thành lập hệ thống tình báo địa phương. Về kinh tế, chúng tăng cường chiếm đoạt ruộng đất của nông dân. Trung đoàn 308 và bộ đội địa phương, du kích các xã vẫn tiếp tục hoạt động tổ chức nhiều trận đánh diệt ác phá kềm trên các khu vực: Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Lộ 9, Lộ 10, Giồng Lốt, Đức Lập, Lộc Giang, Tân Mỹ…

Đến cuối năm 1949, do thực tế tình hình Nam bộ, Xứ ủy có chủ trương điều chỉnh, tổ chức lại trường lực lượng vũ trang ở Nam bộ. Lúc này, Trung đoàn 308 rút khỏi Đức Hòa về miền Đông, sáp nhập với Trung đoàn 120 và đổi tên thành Trung đoàn Đồng Nai.

Như vậy, tính từ khi mới thành lập, Chi đội 15 là tiền thân của Trung đoàn 308 cho đến cuối năm 1949, Trung đoàn 308 đã được xây dựng củng cố và hoạt động trên đất Đức Hòa hơn 4 năm. Bốn năm ấy, với những nhiệm vụ quan trọng được Tổ quốc giao phó, diệt ác phá kềm, bảo vệ các tuyến đường chiến lược cùng những trận đánh nổi tiếng, Trung đoàn 308 đã để lại một dấu son đậm nét trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc.

VŨ QUANG SƠN

Tin cùng chuyên mục