Tách bạch hoạt động quản lý về tổ chức với hoạt động xét xử

Sáng 23-9, tiếp tục chương trình nghị sự, phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn xung quanh dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

(SGGPO).- Sáng 23-9, tiếp tục chương trình nghị sự, phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn xung quanh dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đảm bảo độc lập xét xử

Báo cáo về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành với phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; một số ý kiến nhất trí với phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện và cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện như hiện nay.

Đáng lưu ý, về cơ chế quản lý Tòa án nhân dân, cơ quan thẩm tra tán thành với ý kiến của đa số ĐBQH tiếp tục giao Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) quản lý các Tòa án nhân dân, phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Riêng việc thành lập Hội đồng tư pháp Quốc gia để quản lý Tòa án (như có ý kiến đề nghị) là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu, chúng ta chưa có kinh nghiệm về tổ chức và vận hành cơ chế này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị tiếp tục giao TANDTC quản lý các Tòa án về tổ chức, nhưng cần nghiên cứu, quy định cụ thể để tách bạch hoạt động quản lý về tổ chức với hoạt động xét xử để bảo đảm quản lý không ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của Tòa án các cấp.

Xác định giá trị của án lệ

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đa số ý kiến của ĐBQH cũng như thành viên cơ quan thẩm tra tán thành với quy định của dự thảo Luật là TANDTC có thẩm quyền phát triển án lệ. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ “án lệ” là gì? Giá trị pháp lý của án lệ; các tiêu chí, điều kiện, thủ tục lựa chọn, công bố án lệ, việc thay đổi, hủy bỏ án lệ… như thế nào?

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến khác đề nghị không quy định thẩm quyền của TANDTC phát triển án lệ, vì không phù hợp với điều kiện nước ta. Án lệ không phải là nguồn luật, chỉ có giá trị tham khảo.

Một nội dung quan trọng khác cũng có ý kiến tranh luận là hiệu lực Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Cơ quan thẩm tra đề xuất phương án như đã nêu tại dự thảo Luật, theo đó “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”. Mặc dù vậy, trong trường hợp có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới thì quyết định này vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính nhằm thực hiện nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013: “Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân...”. Quyết định cuối cùng trong trường hợp xem xét lại theo thủ tục đặc biệt vẫn là quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Do đó, dự thảo Luật vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính hiện hành.

Ngoài ra, đại diện cơ quan thẩm tra kiến nghị không thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, xu hướng chuyên môn hóa trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, cơ quan thẩm tra tán thành với một phần đề nghị của TANDTC là cần thành lập một Tòa chuyên trách mới để xử lý hành chính các loại việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân như: “đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” và đề nghị lấy tên Tòa này là “Tòa xử lý hành chính”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục