Các điều kiện ứng cử không được cản trở quyền bầu cử, ứng cử

(SGGPO).- Đây là ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH khi thảo luận về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
 
Đơn cử, dự thảo Luật đã bổ sung thêm vào hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân 2 loại giấy tờ là Giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền và Phiếu lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, ý kiến chung của các thành viên Ủy ban Pháp luật không tán thành với việc bổ sung các giấy tờ này vì không cần thiết và không phù hợp; gây tốn kém về kinh phí, lãng phí thời gian, công sức của người ứng cử cũng như của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc hoàn thiện các giấy tờ này.

“Việc phân biệt chỉ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện mới cần có Phiếu lý lịch tư pháp trong khi người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã lại không cần là không hợp lý, không bảo đảm tính công bằng. Mặt khác, trong đơn ứng cử, lý lịch của người ứng cử đã có mục để người ứng cử tự nêu rõ về tình trạng sức khỏe, lịch sử bản thân và phải tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình”, ông Lý bình luận.
 
Thống nhất với quan điểm của Ủy ban Pháp luật, các ý kiến trong UBTVQH đề nghị cần rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật về quyền ứng cử, bầu cử để bảo đảm các quy định này không trái các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhất là các quy định liên quan đến những trường hợp không được ứng cử, bầu cử, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, về danh sách cử tri...

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Khi phát sinh trường hợp bầu cử không theo định kỳ (như khi lập huyện mới, tỉnh mới) thì cách giải quyết thế nào”? Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu vấn đề: “Khi quy định thời hạn công bố ngày bầu cử sớm hơn quy định hiện hành (từ chậm nhất là 105 ngày lên chậm nhất là 125 ngày trước ngày bầu cử) thực chất đã kéo dài thời gian chuẩn bị bầu cử lên thêm 20 ngày so với hiện nay. Có cần thiết phải kéo dài thêm thời gian như vậy không”?

Tán thành nhiều nhận định của Ủy ban Pháp luật, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của dự luật vẫn chưa được cơ quan thẩm tra đề xuất cụ thể. Nếu cụ thể hóa được giải pháp, dự án Luật đủ điều kiện trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục