Tạo nền tảng để năm 2016 tăng trưởng GDP 6,7%

Phải thu đủ 34.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế đã hứa trước Quốc hội
Tạo nền tảng để năm 2016 tăng trưởng GDP 6,7%

Ngày 27-1, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11. Chiều tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ (VPCP) họp báo thường kỳ tháng 11. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, người phát ngôn của Chính phủ, đã trả lời báo chí một số vấn đề dư luận quan tâm.

Phải thu đủ 34.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế đã hứa trước Quốc hội

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục đà chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế; các lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân sách, xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối, giá cả… đều đạt kết quả và có những chuyển biến tích cực. Từ những kết quả chung, khả năng, triển vọng tăng trưởng GDP trên 6,5% cho năm 2015 là khả thi, đây là mức tăng trưởng cao hơn năm 2014 và cao hơn kế hoạch đề ra, tạo đà, tiền đề, nền tảng để thực hiện nhiệm vụ năm 2016 với tăng trưởng GDP đề ra là 6,7%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp

“Trên đà này chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao hơn; nỗ lực khắc phục những khó khăn, hạn chế, yếu kém; biến khó khăn thành thuận lợi, thời cơ… để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra cho năm 2015, một năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015)”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong tháng 12 này, tất cả các cấp, ngành phải tập trung thực hiện kế hoạch năm 2015. Trong đó phải tập trung cân đối ngân sách, trong đó thu nợ là vấn đề trọng tâm mà ngành tài chính phải bảo đảm (thu đủ 34.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế đã hứa trước Quốc hội); điều chỉnh lại các chỉ tiêu ngân sách phù hợp, triệt để tiết kiệm; phân bổ vốn đầu tư trung hạn phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu các bộ, ngành địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo cung cầu hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán; thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động ngăn ngừa, trấn áp, đấu tranh phòng chống các loại hình tội phạm; làm tốt công tác phòng chống cháy nổ; tăng cường tuần tra, canh gác, giảm thiểu tai nạn giao thông vào dịp cuối năm.

Xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công

Tại Nghị quyết số 93/2015/QH13, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện việc khoán xe công. Trả lời câu hỏi về kế hoạch, lộ trình thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), trong đó cơ chế quản lý ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào dự án luật.

Trả lời câu hỏi có xem xét việc giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết điều hành lãi suất dựa trên các căn cứ của nền kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, lạm phát chỉ là một yếu tố. Năm 2015, GDP đạt trên 6,5%; lạm phát thấp chủ yếu do giá hàng hóa thế giới giảm, điển hình là giá dầu thô. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành thận trọng, không chủ quan với lạm phát, nhất là tổng cầu đang tăng trở lại thì khả năng lạm phát 2016 vẫn thấp như 2015 là khó. Hiện nay lãi suất đã giảm khá nhiều, vì vậy thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến của nền kinh tế để có những điều hành phù hợp.

Có nên cấm bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu như đề nghị của ĐBQH mới đây? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ sẽ lắng nghe xem xét ý kiến này của ĐBQH. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức viên chức được tiến hành theo quy trình, căn cứ vào nhu cầu của cơ quan đơn vị. Việc bổ nhiệm phải căn cứ theo các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc. “Người đứng đầu chuẩn bị nghỉ hưu được thông báo nghỉ hưu để chuẩn bị, nhưng trong thời gian đó họ vẫn làm việc, điều hành bình thường cho đến khi bàn giao công việc để nghỉ, kể cả trách nhiệm kiện toàn nhân sự. Không phải khi nhận được thông báo nghỉ hưu thì họ phải dừng hết mọi công việc. Nếu trong quá trình đó họ có vi phạm thì kể sau này khi đã nghỉ hưu, họ vẫn phải chịu trách nhiệm”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến vào tờ trình của Bộ GD-ĐT về hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, cơ cấu mới khẳng định rõ tính phân luồng trong giáo dục THPT thông qua xác định các hướng chuyên sâu cho học sinh THPT là định hướng chung, định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu. Học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học, từ đó giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học. Ý kiến các thành viên Chính phủ nhất trí với tờ trình của Bộ GD-ĐT.


PHAN THẢO 

Tin cùng chuyên mục