Cân nhắc mở rộng thẩm quyền điều tra của công an xã

(SGGPO).- Sáng 27-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật tạm giữ, tạm giam trước khi bế mạc phiên họp thứ 35. 

Về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện có 2 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đó là việc có nên trao thẩm quyền tiến hành điều tra cho một số cơ quan như kiểm ngư, thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước… hay không.

Đặc biệt, Khoản 2 Điều 35 của dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo dự thảo luật, Công an phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ, và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Vẫn theo ông Uông Chu Lưu, vấn đề thứ hai cần xin ý kiến UBTVQH là việc khi cơ quan đang tiến hành điều tra phát hiện dấu hiệu phạm tội thuộc lĩnh vực khác thì có được mở rộng điều tra cả tội phạm mới phát hiện hay không (nhất là loại tội phạm có liên quan chặt chẽ với nhau như tư pháp với tham nhũng)…

Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án luật - nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã đang được thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã (tiếp nhận, phân loại xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại….) và không được coi là Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đại diện Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhận xét: “Trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của Công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội”. Tham dự phiên họp, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân cũng đề nghị không bổ sung thẩm quyền điều tra của các cơ quan nêu trên.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại tán thành quan điểm của ban soạn thảo. Ông nói: “Dự thảo giao một số việc cho công an cấp xã là hợp lý. Pháp lệnh Công an xã đã ghi rõ và thực tế lực lượng này cũng đang thực hiện một số hoạt động thuộc phạm vi điều tra (bắt quả tang, quản lý hiện trường, lấy lời khai ban đầu; tiếp nhận tự thú)… Tôi đồng tình với ban soạn thảo và cho rằng việc này không có gì trái với pháp lệnh hiện hành”. Mặc dù vậy, ông Ksor Phước cho rằng không cần thiết phải mở rộng thẩm quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư.

Giải trình thêm với UBTVQH, Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nếu được giao điều tra thì các cơ quan kể trên cũng chỉ được giao một số công việc nhất định hoặc vụ án ít nghiêm trọng. Về một chức danh mới được bổ sung trong dự thảo luật là “trợ lý điều tra”, Thứ trưởng Vương nói, do hoạt động điều tra có rất nhiều công việc phải làm, từ trinh sát, kỹ thuật (ghi âm), khám nghiệm hiện trường… trong khi số lượng điều tra viên đủ tiêu chuẩn còn hạn chế, cần có sự trợ giúp đắc lực từ những người có nghiệp vụ, trách nhiệm. Song một số ý kiến tại UBTVQH không đồng tình bổ sung chức danh này.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục