Huyền thoại trong lòng đất

Điểm chung của họ là đi theo cách mạng khi còn rất trẻ. Với mong muốn đánh giặc cứu nước cộng với sự dũng cảm, gan dạ và mưu trí, họ đã lập nên những chiến tích vang dội. Đó là những nữ du kích Củ Chi, mà cách đây 40 năm, khi tuổi đời còn rất trẻ, họ đã từng là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.
Huyền thoại trong lòng đất

Điểm chung của họ là đi theo cách mạng khi còn rất trẻ. Với mong muốn đánh giặc cứu nước cộng với sự dũng cảm, gan dạ và mưu trí, họ đã lập nên những chiến tích vang dội. Đó là những nữ du kích Củ Chi, mà cách đây 40 năm, khi tuổi đời còn rất trẻ, họ đã từng là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

“Chân đạp đất, đầu đội bom”

Trở lại Củ Chi (TPHCM) đất thép thành đồng, chúng tôi có cơ hội gặp được hơn 10 người trong đội nữ du kích năm xưa. Chiến tranh đã đi qua 40 năm, những nữ du kích Củ Chi ngày ấy, nay tóc đã ngả bạc, tuổi cũng đã ngoài 60, thế nhưng với họ, hồi ức về những ngày đấu tranh oanh liệt vẫn còn hiện hữu trong từng giấc ngủ.

Bà Võ Thị Mô (Bảy Mô), sinh năm 1947 (ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), 12 tuổi đã tham gia làm giao liên, đưa dẫn cán bộ nội thành ra căn cứ, đào hầm địa đạo; 15 tuổi tham gia đội dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí về đơn vị. Bà từng là Trung đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi khi mới 19 tuổi. Nói về con đường cách mạng của mình, bà Bảy Mô cười: “Khi ấy chỉ có lòng căm thù giặc và quyết tâm đấu tranh để giải phóng đất nước chứ có nghĩ gì đến bản thân”. Nhờ tinh thần ấy, những cô gái tuổi đôi mươi trong đội nữ du kích Củ Chi mới có thể vượt hàng trăm cây số để tải đạn với số kilogram lớn gần gấp đôi trọng lượng cơ thể về đơn vị. “Hồi đó ở đâu có chị Bảy Mô là chúng tôi rất an tâm theo đánh trận”, bà Nguyễn Thị Thanh (bí danh Liên) nói đầy tự hào. Sự tự tin của các nữ du kích còn bởi ngoài mưu trí, dũng cảm, bà Bảy Mô còn là người rất giỏi chiến lược.

Nữ du kích Củ Chi thăm lại Địa đạo Bến Đình sau 40 năm đất nước thống nhất.

Thế nhưng, sự hy sinh trong chiến tranh cũng vô cùng khốc liệt. Nhắc lại sự hy sinh của các đồng đội, bà Trần Thị Gừng (sinh năm 1947) rớm nước mắt: “Nhiều lần chúng tôi cùng đi chiến đấu, nhưng khi trở về thì chỉ còn một mình tôi cùng với thi thể không trọn vẹn của các chị em. Đó là sự mất mát rất lớn, nhưng chúng tôi lấy đó làm nỗi căm hờn mà tiến bước”. Gian khổ là thế, hy sinh như thế nhưng họ vẫn quyết đồng cam, cộng khổ, cùng sống, chết, cùng ăn hầm, ngủ bụi trên từng trận đánh. Họ tiếp tục ngày chống càn, đêm làm trinh sát, xây dựng cơ sở vững mạnh ngay trong lòng địch, rồi trực tiếp cầm súng đối mặt chiến đấu với kẻ thù. Khi tham gia đội du kích, họ đã tập cho mình một tinh thần thép. “Chúng tôi không sợ sự đàn áp. Địch càng tấn công dữ dội, anh chị em hy sinh, chúng tôi càng thêm sức mạnh chiến đấu để trả thù. Chỉ thương đồng đội, có người trước khi nhắm mắt còn dặn rằng đừng chôn theo quần áo, giữ lại để các chị có mà dùng”, bà Cao Thị Hương nghẹn lời cho biết. Tuy thế, dù biết theo cách mạng là gian khó những những nữ du kích Củ Chi vẫn một lòng tiến bước. Bà Nguyễn Thị Thanh bảo rằng đi theo cách mạng là chấp nhận “chân đạp đất, đầu đội bom” và chỉ một lòng lên đường theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu.

Vang dội những chiến công

Nhắc lại lý do đi đánh giặc, bà Cao Thị Hương bảo rằng vì muốn giành quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Bà Hương nói: “Hồi đó việc gì khó lại giao cho các anh, tôi thấy tự ái vô cùng”. Chính tự ái đó, mà khi các anh được phân công bắn máy bay, còn bà thì không. Bà đã lấy súng của một anh và chạy ra bãi bắn. Vậy mà lần đó bà lập nên chiến công để trở thành người nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi. Hay bà Trần Thị Gừng, ngay trận đầu tham gia du kích đã bắt sống được lính Mỹ. Bà còn chỉ huy một đội du kích nam chiến đấu…

Những chiến tích vang dội của đội nữ du kích Củ Chi phải kể đến bà Bảy Mô với những tấm huân huy chương các loại. Không chỉ vậy, một lần đang theo dõi địch, bà thấy 4 tên lính Mỹ ngồi lại đọc thư, xem hình rồi chụm đầu lại khóc, khi đó bà chỉ cần nổ súng là có thể tiêu diệt cả 4, nhưng bà lại tha vì nghĩ họ cũng có nỗi khổ tâm. Câu chuyện về hành động tràn đầy tình người ấy của bà đã làm lay động nhiều binh lính chế độ cũ.

Sự dũng cảm của những nữ du kích Củ Chi còn thể hiện khi bị địch bắt tù đày, bị tra tấn dã man vẫn không hé răng khai báo nửa lời. Hay sau những lần bị thương, họ lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Hỏi khi ra chiến trường, các cô có sợ không, bà Trần Thị Gừng cho biết: “Nói không sợ thì không đúng. Nhất là lúc nằm trong chiến hào chờ địch tới. Nhưng khi đã nổ súng thì không còn sợ nữa. Chắc do ngửi mùi thuốc súng riết rồi quen”.

Sau ngày giải phóng, họ mang theo trên mình những vết thương từ đạn, bom thời chiến, trở về với cuộc sống đời thường. Họ xây dựng gia đình, tăng gia sản xuất để hồi sinh lại vùng đất ngày nào bị cày xới bởi bom đạn. Có người trở về làm nông dân chân chất, nhưng điều đáng trân trọng là dù họ ở vị trí nào cũng đều là người cán bộ gương mẫu, được nhiều người quý mến. Họ - những huyền thoại trong lòng đất ngày nào, giờ đây vươn lên trở thành những bông hoa của thời bình thơm ngát.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục