Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2: Sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng

Ngày 2-3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2-2015. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về phiên họp.

Ngày 2-3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2-2015. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về phiên họp.

Giá xăng, dầu, điện, than phải theo thị trường

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá 2 tháng đầu năm 2015 đã đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Đây là những tín hiệu tích cực để chúng ta có thêm cơ sở nhằm phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý một số vấn đề nổi lên như cần phân tích rõ tình hình, nguyên nhân và bản chất số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn; tình hình thu ngân sách từ dầu khí giảm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm; số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập. Với tinh thần chung là phải nỗ lực cao nhất để đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu để sớm giảm tiếp lãi suất cho vay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung thực hiện đột phá về hoàn thiện thể chế, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch. Tương tự giá dịch vụ y tế cũng phải tính đúng, tính đủ. Đi liền đó phải điều tiết để khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường, Nhà nước phải giúp cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Báo cáo việc tăng giá điện

Tại phiên họp lần này, nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm cũng được Chính phủ thảo luận và được giải đáp ở cuộc họp báo. Về băn khoăn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm, kể cả vào tháng Tết Nguyên đán liệu có phải là dấu hiệu của giảm phát, theo ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, CPI thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá dầu thế giới, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông. Nguồn cung hàng hóa dồi dào. Mặc dù CPI giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).

Liên quan đến phương án tăng giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong 3 phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các bộ, ngành đều nhất trí với phương án cao nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo phải rà soát lại. Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công thương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3-2015.

Nói thêm về điều này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước tết dù đã đủ điều kiện để tăng giá điện nhưng vì không muốn tác động đến tâm lý doanh nghiệp, người dân nên Thủ tướng giao Bộ Công thương sau tết xem xét, quyết định việc điều chỉnh giá điện và báo cáo trong tháng 3. Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay than đã tăng giá 22%; những yếu tố cấu thành giá điện đều đã tăng… Giá điện Việt Nam kể cả sinh hoạt và thương mại so với các nước trong khu vực ASEAN là thấp. Ông Hải cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp điện, xã hội hóa ngành điện chậm cũng là do giá điện đầu ra thấp nên không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Vì vậy, giá điện sẽ phải điều chỉnh theo giá thị trường.

Vừa qua Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thông báo lỗ hơn 1.300 tỷ đồng trong quý 4-2014 và cả năm 2014 lỗ hơn 350 tỷ đồng. Liệu vấn đề này có ảnh hưởng gì đến việc điều hành xăng dầu trong thời gian tới? Trả lời điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ở nước ta, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá thế giới. Trong quý 4-2014, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, liên bộ tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng hài hòa các công cụ thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước. Khi giá xăng dầu thế giới tăng vào cuối tháng 1-2015, liên bộ đã tính toán cho phép thương nhân đầu mối tăng mức sử dụng Quỹ BOG để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu theo quy định.

Thời gian tới, liên bộ tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định. Tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về thuế, Quỹ BOG, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu. Trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Quản lý điều hành bay thuộc chủ quyền quốc gia

Liên quan đến vấn đề mà xã hội gần đây rất quan tâm là việc Tổ chức Động vật châu Á đã khuyến cáo chấm dứt lễ hội chém heo ở Làng Ném Thượng (Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, lễ hội Làng Ném Thượng nói riêng, lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung, là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng; đồng thời, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia. Trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần rà soát, hướng dẫn cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp.

Về việc bán và nhượng quyền khai thác các sân bay, ông Nên nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất quan điểm về nguyên tắc: không buông lỏng về quản lý, sẽ có quy định để bảo đảm quản lý chặt chẽ nhưng vẫn phát triển theo cơ chế thị trường. Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm, xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một yêu cầu tất yếu, Chính phủ đã giao Bộ GT-VT xây dựng đề án này. Hiện đã có đề án tổng thể về nhượng quyền khai thác, bán các dự án BOT và những dự án có thể xã hội hóa được cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Xã hội hóa dịch vụ trong sân bay và đầu tư nhà ga hoàn toàn là nằm trong kế hoạch của Bộ GT-VT. Kinh nghiệm thế giới đã có. Với các cảng hàng không hiện nay, Bộ GT-VT đang kêu gọi tiếp tục xã hội hóa. Đơn cử VietJet đang đề nghị được nhượng quyền khai thác nhà ga T1 sảnh E của sân bay Nội Bài. Hiện nay Bộ GT-VT đang yêu cầu lên phương án đấu thầu. Ngoài ra là việc đầu tư toàn bộ các sân bay, trên cơ sở thành lập các công ty cổ phần bao gồm cả đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư. Bộ GT-VT đang lập đề án đối với sân bay Long Thành để báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Với sân bay Phú Quốc, đây là mô hình mới, bộ đã xây dựng trình Chính phủ phương án cho bán toàn bộ sân bay, nhưng chỉ là phần dịch vụ khai thác, một phần đầu tư xây dựng, còn toàn bộ quản lý bay và an ninh quốc phòng thì đều do chúng ta quản lý. Quản lý điều hành bay là thuộc chủ quyền quốc gia, còn quyền khai thác dịch vụ thì có thể xã hội hóa.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục