Ngọn cờ đỏ giữa biển xanh

Xã Thổ Châu, huyện đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang từng được mệnh danh là vùng “đất chết”, nhưng giờ đây đã trở thành xã đảo trù phú với sức sống vươn lên mạnh mẽ. Có được sự hồi sinh đáng khâm phục ấy, chính là nhờ sự tiên phong của những cán bộ đảng viên dám dấn thân. Nhờ vậy mà Đảng bộ xã Thổ Châu được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh liên tục nhiều năm liền (2007 - 2013) và năm 2014 vinh dự được Chủ tịch nước đến thăm…
Ngọn cờ đỏ giữa biển xanh

Xã Thổ Châu, huyện đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang từng được mệnh danh là vùng “đất chết”, nhưng giờ đây đã trở thành xã đảo trù phú với sức sống vươn lên mạnh mẽ. Có được sự hồi sinh đáng khâm phục ấy, chính là nhờ sự tiên phong của những cán bộ đảng viên dám dấn thân. Nhờ vậy mà Đảng bộ xã Thổ Châu được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh liên tục nhiều năm liền (2007 - 2013) và năm 2014 vinh dự được Chủ tịch nước đến thăm…

Trẻ em đến trường tại xã Thổ Châu, huyện đảo Thổ Chu

Hồi sinh từ vùng “đất chết”

Đảo Thổ Chu nằm chênh vênh giữa biển khơi xanh biếc, xung quanh chỉ có biển xanh mênh mông ôm trọn hòn đảo. Anh Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu, huyện đảo Thổ Chu tự hào kể về khúc bi tráng của xã đảo mà anh gắn bó từ nhỏ: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng chưa được bao lâu thì ngày 15-5-1975, Khmer Đỏ tràn qua biên giới Tây Nam nước ta, đổ bộ lên đảo Thổ Chu tàn sát hơn 500 người dân vô tội, khiến bộ máy chính quyền nơi đây gần như bị xóa trắng, toàn đảo biến thành vùng đất chết.

Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước, chỉ hơn chục ngày sau, bộ đội ta đã tiến đánh đuổi bọn diệt chủng ra khỏi bờ cõi, giải phóng toàn đảo và giao bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Giờ đây nhìn ngôi đền thờ tưởng niệm 500 người dân vô tội bị giết hại sừng sững giữa đảo như nhắc nhở mọi người quyết tâm bảo vệ đảo và xây dựng đảo ngày càng giàu mạnh.

 

* Món quà tinh thần lớn nhất mà quân dân xã đảo rất đỗi tự hào là tháng 5-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần Đảng bộ, chính quyền và quân dân trên đảo. Chủ tịch nước vui mừng trước sự tiến bộ vượt bậc của xã đảo và mong rằng  xã đảo tiếp tục đi lên không ngừng về mọi mặt để đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, xứng đáng là ngọn cờ đỏ giữa biển xanh.

 

Nhằm gầy dựng lại cuộc sống trên đảo, từ năm 1992, chính quyền tỉnh Kiên Giang đưa 12 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu ra đây làm kinh tế mới. Thấy đạt hiệu quả, năm 1993, chính quyền đưa thêm 20 hộ dân với hơn 80 nhân khẩu tiếp tục ra đảo lập nghiệp. Nhờ chủ trương xây dựng kinh tế mới, dân số trên đảo Thổ Chu tăng lên hơn 100 người, mang lại sức sống mới trên đảo. 

Để hồi sinh vùng “đất chết” không hề dễ dàng vì cơ sở hạ tầng nơi đây hầu như không có gì: nhà cửa lụp xụp, dân cư thưa thớt, đường sá lầy lội; không điện, nước, trường học, trạm y tế… Cuộc sống trên đảo gần như bị tách biệt với đất liền, muốn vào đất liền phải lặn lội đi tàu thuyền cả chục ngày trời.

Trước khó khăn này, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang xác định: Phải thành lập cho được tổ chức Đảng để mỗi đảng viên thật sự là hạt nhân nòng cốt đi đầu trong các phong trào vận động nhân dân chung tay xây dựng cuộc sống mới. Năm 1985, toàn xã đảo chỉ có 3 đảng viên nên chỉ thành lập được chi bộ Đảng. Từ năm 1992, khi có dân sinh sống, mỗi đảng viên đều phát huy vai trò tiên phong gương mẫu nên đã được dân tin tưởng nghe theo.

Sau khi thành lập chi bộ Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… cũng lần lượt ra đời, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền trên đảo ngày càng vững mạnh. Qua các phong trào thi đua yêu nước, nhiều nhân tố mới được phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp Đảng. Nhờ đó, chỉ vài năm sau, từ một chi bộ đã phát triển lên thành một đảng bộ với 57 đảng viên, trong đó mỗi đảng viên là một hạt giống đỏ, phát huy tốt vai trò “đảng viên đi trước, làng nước theo sau…”.             

Cuộc sống mới

Đến thăm đảo Thổ Chu hôm nay, mọi người đều phải thán phục trước sức vươn lên mạnh mẽ của quân và dân trên đảo. Đồng chí Trần Hoàng Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, đảo Thổ Chu, báo tin: “Từ lúc đảo chỉ có mấy chục người dân, nay toàn xã đã tăng lên hơn 570 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu. Cuộc sống người dân nơi đây đã và đang đổi thay từng ngày. Giờ đây, xã đảo đã có hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh với những tuyến đường bê tông rộng đẹp khang trang, có điện thắp sáng, nước ngọt sinh hoạt, có trường học cấp 1, 2 cho hơn 340 em học sinh học tập, có trạm y tế với các y bác sĩ có tay nghề đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…”.

Nếu như trước đây người dân trên đảo phần lớn là hộ nghèo thì nay chỉ còn 13 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Đa số người dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản, mới đây còn hình thành mô hình mới là muôi cá lồng bè mang lại thu nhập cao. Hiện xã có 6 hộ nuôi 21 lồng bè thu hoạch đạt 20 tấn cá/năm, mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể, nhất là giải quyết công ăn việc làm cho người dân như thu hoạch cá, ướp cá, phơi cá, vận chuyển cá bán đi muôn nơi…

Chị Nguyễn Thị Thúy, quê Hải Phòng, theo chồng là bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ đảo về đây sinh sống từ 21 năm qua, bộc bạch: “những ngày đầu cuộc sống ở đây vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ bà con đoàn kết thương yêu nhau nên cùng vươn lên. Vui nhất là mỗi đảng viên đều là hạt nhân nòng cốt lãnh đạo toàn dân thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước. Vì vậy, giờ đây cuộc sống trên đảo như gần với đất liền hơn, thậm chí có lúc cứ tưởng mình đang sống ở đất liền vậy…”.

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục