Biến ý tưởng, đề xuất thành hành động

Biến ý tưởng, đề xuất thành hành động

Khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132

(SGGP).- Tối 28-3, lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã được tổ chức long trọng tại Phòng Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Tham dự lễ khai mạc có đại biểu đến từ hơn 160 quốc gia thành viên của IPU, trong đó có 100 vị là Chủ tịch và Phó Chủ tịch nghị viện; đại diện các thành viên liên kết, các quan sát viên và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự vui mừng và vinh dự của Việt Nam khi được trao trọng trách đăng cai tổ chức IPU-132 lần đầu tiên sau gần 36 năm gia nhập IPU. Đối với Việt Nam, đây không chỉ là một hoạt động đối ngoại đa phương mà còn là một sự kiện lớn trong chuỗi sự kiện đầy ý nghĩa của năm 2015, đánh dấu sự phát triển của Việt Nam trên con đường bảo vệ và xây dựng đất nước. Chủ tịch nước hy vọng trong thời gian lưu lại Hà Nội, bên cạnh việc hoàn thành những trọng trách trong khuôn khổ IPU-132, các vị đại biểu cũng sẽ có dịp tìm hiểu, khám phá truyền thống lịch sử, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thực hiện nghi thức đánh cồng chiêng khai mạc IPU - 132

“Mọi mong ước chỉ là xa vời nếu chúng ta không hành động. Tôi tin tưởng hội nghị này là hội nghị của hành động để biến những ý tưởng, đề xuất thành hành động cụ thể, góp phần hiệu quả giải quyết những vấn đề bức xúc có tính chất toàn cầu”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã phát biểu đáp từ, cảm ơn sự thu xếp chu đáo và mến khách của Việt Nam cả về nội dung và công tác tổ chức Đại hội đồng. Bà Amina Mohamed, Cố vấn đặc biệt, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) cũng đã đọc thông điệp của Tổng Thư ký LHQ gửi IPU-132.

Ngay trước khi thực hiện nghi lễ đánh chiêng để chính thức khai mạc Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có bài diễn văn nêu rõ, IPU-132 là dịp để đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và thảo luận, đề ra những mục tiêu phát triển bền vững cho giai đoạn sau năm 2015. Những vấn đề về vai trò của nghị viện trong các lĩnh vực an ninh mạng, hình thành cơ chế quản trị nguồn nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của LHQ, nhân quyền của nghị sĩ; chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, HIV/AIDS… cũng sẽ được thảo luận trong khuôn khổ IPU-132.

“Tại kỳ họp của IPU lần này, chúng ta có trách nhiệm trao đổi kỹ về những vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các quốc hội, các nghị viện để thực sự biến những lời nói thành hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững thông qua thể hiện, thể chế hóa luật pháp; nâng cao nhận thức, huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội và nhân dân; huy động nguồn lực ngân sách, tài chính, kỹ thuật cho việc thực hiện giám sát có hiệu quả các nội dung của mục tiêu phát triển bền vững. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng Đại hội đồng sẽ hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đã đề ra”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Từ 9 nghị viện thành viên lúc thành lập, IPU hiện có 166 quốc gia thành viên gồm hơn 47.000 nghị sĩ, đại diện cho 6,5 tỷ người dân trên toàn thế giới. IPU-132 với Tuyên bố Hà Nội dự kiến sẽ đóng góp mạnh mẽ cho các mục tiêu chung của toàn thế giới vì hòa bình và phát triển thông qua việc đưa nghị viện các nước xích lại gần nhau hơn, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm lập pháp. IPU-132 cũng là một bước ngoặt lớn, thể hiện đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển chung của IPU.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục