Lính đảo ru con

“Bố ơi, đến giờ con đi ngủ rồi, bố hát cho con nghe bài Cả nhà thương nhau nhé!. Đêm nào cũng vậy, cứ đến giờ đi ngủ là cô con gái chưa tròn 4 tuổi của anh Võ Văn Thành (quê Nam Định, đang công tác tại đảo An Bang) lại điện thoại bắt bố hát ru. Đêm trên đảo với tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng hát của anh hòa cùng tiếng ca trong veo của con trẻ nơi đất liền giúp bố con anh có một giấc ngủ thật ngon.
Lính đảo ru con

“Bố ơi, đến giờ con đi ngủ rồi, bố hát cho con nghe bài Cả nhà thương nhau nhé!. Đêm nào cũng vậy, cứ đến giờ đi ngủ là cô con gái chưa tròn 4 tuổi của anh Võ Văn Thành (quê Nam Định, đang công tác tại đảo An Bang) lại điện thoại bắt bố hát ru. Đêm trên đảo với tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng hát của anh hòa cùng tiếng ca trong veo của con trẻ nơi đất liền giúp bố con anh có một giấc ngủ thật ngon.

Phút lãng mạn của người lính biển.

1. Ra đảo công tác được 5 tháng, anh Thành đã quen với những khó khăn nơi đảo xa. Xa con 5 tháng, anh nhớ con rất nhiều bởi từ nhỏ con bé đã quấn quýt anh hơn mẹ. Anh nhớ từng thói quen, điệu bộ mỗi khi con vòi vĩnh bố đưa đi mua kẹo. Giờ đây khi xa bố, bé con vẫn giữ thói quen hỏi thăm bố hôm nay làm việc có nhiều, có mệt hay không. Và điều con hay vòi vĩnh anh nhất là hát ru con ngủ. Anh cười cho biết: “Đến giờ ngủ con bé lại điện thoại đòi tôi hát cho nghe bài Cả nhà thương nhau, Một con vịt, Ba ngọn nến lung linh,… và nói bố không hát ru con không ngủ được”. Những người lính đảo ngày đêm phơi mình trong nắng gió, luôn cứng cỏi, hiên ngang trước khó khăn và kẻ thù, nhưng khi cất tiếng hát ru con các anh lại nhẹ nhàng và lãng mạn. Từng lời ru giúp các anh thêm gần con trẻ và trở thành niềm vui của người lính đảo.

2. Tại một góc nhỏ nơi giường ngủ của anh Nguyễn Hữu Thọ (quê Hà Tĩnh) trên đảo Núi Le B, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa quanh năm sóng vỗ, tôi bắt gặp tấm hình của một bé gái xinh xắn mặc chiếc đầm hoa. Anh Hữu Thọ cho biết, tấm hình ấy chụp lúc con gái anh hơn 4 tuổi, giờ con bé đang học lớp 1. Hơn 15 năm công tác trong quân đội và 3 lần đến nhận nhiệm vụ tại các đảo khác nhau nên cuộc sống nơi đảo xa không còn lạ lẫm với anh. Nước da đen nhẻm vì nắng gió, nhưng nụ cười luôn nở trên môi anh. Nhất là khi nhắc đến con gái, mắt anh lại sáng ngời. Anh nói cha con anh không xa cách bởi khi nhớ thì điện thoại hỏi thăm nhau. “Con bé rất tự hào với bạn bè vì tôi đi bộ đội và công tác tại đảo xa. Con nói sẽ cố gắng học giỏi và viết chữ đẹp để khi ba về sẽ hãnh diện với thành tích của con”.

Anh lấy trong ngăn tủ khoe tôi bức thư của cô con gái gửi cho mình vào 3 tháng trước. Mỗi khi nhớ con anh lại lấy thư ra đọc. Dù đã đọc đi đọc lại lá thư ấy rất nhiều lần, nhưng khi anh đọc lại những dòng chữ thân thương, nắn nót cùng những lời thăm hỏi, động viên ân cần của con gửi cho mình, mắt anh đỏ hoe. Mới học lớp 1, nhưng con đã biết giúp ba an tâm công tác bằng những lời hứa học tốt, thông báo rằng hai mẹ con đều khỏe, hỏi ba rằng có thấy chữ con gái đẹp hay không, con rất yêu ba và không quên gởi lời hỏi thăm cũng như chúc các chú bộ đội công tác tốt.

Với những người lính đảo, bao gian nan, thử thách càng giúp họ thêm vững tay súng. Thế nhưng, vượt qua bao vất vả, họ tìm niềm vui trong lời ca, tiếng hát, trong tình yêu thương của đồng đội và gia đình. Chính niềm lạc quan ấy đã giúp lời ru của người lính đảo qua làn sóng điện thoại thêm ngọt ngào và đầm ấm, để con thơ có giấc ngủ nồng say

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục