Nguồn sức mạnh to lớn làm nên chiến thắng trọn vẹn

Nói tới Chiến thắng 30-4-1975 mà chỉ nói về 5 cánh quân 5 hướng tiến công, tức là chỉ nói về các “quả đấm chủ lực” thì không đầy đủ. Phải thấy rõ đây thật sự là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trong đó “quả đấm chủ lực” với những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự, với những đòn điểm huyệt đã đánh trúng, đánh hay, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định, chọc thủng và làm vỡ tuyến phòng thủ chiến lược của địch, khiến quân địch nhanh chóng lâm vào thế bị động, lúng túng rồi vỡ trận về quân sự, hoảng loạn về tinh thần.
Nguồn sức mạnh to lớn làm nên chiến thắng trọn vẹn

Nói tới Chiến thắng 30-4-1975 mà chỉ nói về 5 cánh quân 5 hướng tiến công, tức là chỉ nói về các “quả đấm chủ lực” thì không đầy đủ. Phải thấy rõ đây thật sự là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trong đó “quả đấm chủ lực” với những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự, với những đòn điểm huyệt đã đánh trúng, đánh hay, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định, chọc thủng và làm vỡ tuyến phòng thủ chiến lược của địch, khiến quân địch nhanh chóng lâm vào thế bị động, lúng túng rồi vỡ trận về quân sự, hoảng loạn về tinh thần.

Người dân thành phố Sài Gòn mừng chiến thắng cùng các anh bộ đội giải phóng, ngày 30-4-1975.

Nhưng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời và thật sự làm cho cả bộ máy ngụy quyền và đội ngũ ngụy quân 1,1 triệu tên với trang bị hiện đại, được viện trợ mạnh của đế quốc Mỹ tan rã thì phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có cả lực lượng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của địch và cơ sở cách mạng trong hàng ngũ địch, có cả yếu tố binh biến mà từ trước tới nay ta chưa nói rõ. “Quả đấm chủ lực” tạo điều kiện cho lực lượng quân sự bên trong, và ngược lại, lực lượng bên trong đã tạo điều kiện cho các mũi tiến công của chủ lực cơ động.

Một người phụ nữ sống trong lòng địch mà hoạt động tốt thì ở những thời điểm quyết định, sẽ có sức mạnh và hiệu quả hơn một tiểu đoàn.

Khẳng định vai trò của lực lượng chủ lực là đúng; nhất định phải có, không có không được. Nhưng lực lượng tại chỗ cũng rất quan trọng, không có thì lực lượng cơ động không thể làm được, mà có làm được thì thương vong cũng lớn lắm.

Là người lãnh đạo cách mạng, bằng tư duy vừa thực tế vừa khoa học, nhạy bén, sắc sảo, Đảng ta đã nhận rõ vấn đề này và đã chuẩn bị từ lâu; đến thời điểm 1975, nó thật sự đã tích tụ, chín muồi, phát huy tác dụng cao độ tới mức thăng hoa!

Nói rõ thêm về điểm này, tôi được biết, trong thiên hồi ức của mình, anh Phan Hàm, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến đã ghi lại những ý kiến của đồng chí Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn ngày 21 và 22-7-1974 tại Đồ Sơn, khi anh Phan Hàm và anh Võ Quang Hồ, hai Phó cục trưởng Cục Tác chiến được cùng với các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn là hai Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội lên báo cáo tình hình với đồng chí Lê Duẩn và nhận chỉ thị chuẩn bị kế hoạch quân sự cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Những lời đồng chí Lê Duẩn nói ngoài văn bản đã được anh Phan Hàm ghi lại một cách trung thực vì anh cho rằng “Nó có sức nặng hơn cả mấy binh đoàn” vì đó là tư duy sáng giá của một bộ óc lỗi lạc tại thời điểm quyết định của cách mạng. Sau khi phân tích tình hình mọi mặt: Mỹ, các nước lớn, tình hình ta, chiến trường..., đồng chí Lê Duẩn nói: “Hiện nay các nước muốn làm chủ Đông Nam Á chưa ai sẵn sàng cả. Mỹ thì đang rút ra, chưa phải là lúc vào lại. Cho nên, mặc dù bọn Mỹ ở bên này có kêu gào đến mấy chăng nữa thì viện trợ chỉ có chiều hướng giảm, không tăng; ngụy thì đang xuống dốc; còn ta thì đang ở thế thắng và đang tiến lên nhanh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nay thời cơ thuận lợi nhất để kết thúc cuộc chiến tranh, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Nếu để chậm năm, bảy năm nữa, họ mạnh lên thì sẽ phức tạp vô cùng cho ta. Từ tình hình trong nước và tình hình thế giới mà rút ra kết luận đó. Nhưng còn một vấn đề nữa là thắng như thế nào cho tốt? Để chậm thì không tốt đã đành; còn làm mà làm không tốt, trầy trật, cũng sẽ thêm phức tạp. Làm tốt là làm nhẹ nhàng, làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, làm trong một vài tháng thì có lợi hơn làm dây dưa, kéo dài ngày. Có như thế mới đạt được bất ngờ để không ai kịp trở tay; chứ nếu kéo dài ra thì các nước lớn sẽ tìm cách này, cách nọ để tăng thêm lực lượng, tiền của, để họ đối phó được với ta. Có làm được như thế không? Tôi nghĩ rằng cần thiết và nhất định sẽ làm được...”.

Khi làm kế hoạch quân sự, Cục Tác chiến và Bộ Tổng Tham mưu dự kiến kế hoạch tiến công giải phóng trong 4 năm, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Ta quyết tâm trong hai năm 1975 - 1976, động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền Nam - Bắc, đưa cuộc cách mạng của ta lên bước phát triển mới, cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân...”. Thế rồi, đồng chí Bí thư Thứ nhất đã chỉ rõ: “Do tính chất của cuộc chiến tranh, đô thị sẽ là nơi quyết định. Nó thua ở đâu, chứ nếu ta không dứt điểm được Sài Gòn thì chiến tranh sẽ còn tiếp tục. Cho nên nhất định Sài Gòn phải chuyển mạnh, nếu không thì mất thời cơ. Phải chủ động gây phong trào, chứ không phải ngồi chờ phong trào nổi lên. Khi ta đánh mạnh thì phong trào đô thị sẽ khác ngay. Phải có người dám làm, vào hẳn trong thành phố. Không xông vào thì xa rời quần chúng, xa phong trào. Phải xông vào mà nắm lấy chỗ yếu nhất của địch, để kịp thời và có biện pháp cụ thể, lợi dụng, khoét sâu thêm... Đánh vào Sài Gòn như thế nào? Tất nhiên là phải chuẩn bị cho kỹ về quân sự. Các anh phải làm cho thật tốt. Tôi chỉ nói đến một khía cạnh thôi. Đây là một thành phố có gần 4 triệu dân, có 10 vạn cảnh sát, ghê gớm lắm. Nhưng không phải chỉ đem lực lượng quân sự giữa hai bên ra mà so sánh, mà phải thấy lực lượng của quần chúng. Lực lượng này thì tiềm tàng, bây giờ ta phải ra sức phát triển, nhưng sức mạnh của nó thì không ai có thể lường hết được. Nó còn mạnh gấp năm, gấp mười lần sức mạnh quân sự. Đến một lúc nào đó, tình thế xoay chuyển, thì chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng này có thể làm tê liệt tất cả: Nhà máy sẽ không còn là pháo đài hay lô cốt của quân địch, mà sẽ trở thành những ổ đề kháng, nơi tập trung lực lượng của giai cấp công nhân; đường phố sẽ không còn là phòng tuyến của địch, mà trở thành những chiến lũy gang thép, thiên la địa võng của ta để bao vây quân địch, tiêu diệt quân thù. Mà chẳng phải chỉ có Sài Gòn mới làm được như thế đâu. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... nơi nào cũng làm được như thế cả…”.

Tôi được biết, người được Bộ Chính trị giao trọng trách lo việc xây dựng và tổ chức lực lượng quần chúng ở địa bàn Sài Gòn - Gia Định là hai anh Võ Văn Kiệt và Trần Hải Phụng.

Thế rồi sự thật lịch sử cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã diễn ra đúng như những ý kiến tiên liệu của đồng chí Lê Duẩn.

Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, phải thấy rõ vai trò lãnh đạo nhạy bén, kịp thời, thống nhất của các Khu ủy, Tỉnh ủy và Đảng ủy các cấp cơ sở trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Nếu không nói rõ điều này thì các thế hệ hôm nay và mai sau chỉ thấy vai trò của bộ đội chủ lực. Quân và dân tất cả các quân khu đã ở tư thế sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ nên đã chủ động tiến công và nổi dậy, thực hiện giải phóng hoàn toàn địa bàn của Quân khu cùng thời điểm với giải phóng Sài Gòn, trong đó cần ghi nhận hai người giữ trọng trách hàng đầu là Bí thư Khu ủy và Tư lệnh Quân khu: Khu 5 - Bí thư là Võ Chí Công (Năm Công), Tư lệnh là Chu Huy Mân (Hai Mạnh); Khu 6 - Bí thư là Năm Hòa (Trần Lê), Tư lệnh là Nguyễn Trọng Xuyên; Khu 7 - Bí thư là Năm Chữ (Lê Quang Chữ), Tư lệnh là Lê Văn Ngọc; Khu 8 - Bí thư là Năm Bê (Huỳnh Châu Sổ), Tư lệnh là Lê Quốc Sản; Khu 9 - Bí thư là Vũ Đình Liệu, Tư lệnh là Lê Ngọc Hưng. Trong đây có một ví dụ vừa sinh động vừa rất điển hình, đó là sự kiện giải phóng Đà Nẵng. Theo kế hoạch ban đầu thì sau khi đánh Buôn Mê Thuột và giải quyết khu vực Tây Nguyên, ta sẽ tập trung lực lượng giải phóng Sài Gòn - Gia Định, sau đó mới quay ra giải phóng Đà Nẵng. Nhưng ngay khi ta “ra đòn phủ đầu” Buôn Mê Thuột, quân địch lập tức lâm vào hoảng loạn và vỡ trận, thì thời cơ lớn của cuộc cách mạng đã thật sự mở ra. Bộ Chỉ huy nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch tiến công: Ra quyết định giải phóng Huế và Đà Nẵng. Thực tế là, mặc dù đã có “Quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Huế - Đà Nẵng” và “Kế hoạch - Quyết tâm chiến đấu” đã được phê duyệt, các lực lượng tiến công cũng nhanh chóng được triển khai; nhưng, lại có một thực tế nữa đã thật sự diễn ra: Đó là, do quán triệt và tổ chức xây dựng lực lượng tại chỗ tốt (cả lực lượng chủ lực cơ động của Quân khu, cả lực lượng quân sự và chính trị của quần chúng) nên khi thấy thời cơ tới, Ban lãnh đạo và Chỉ huy Quân khu 5, đứng đầu là hai anh Võ Chí Công và Chu Huy Mân đã chớp thời cơ, tổ chức lực lượng, nhanh chóng tiến công, giải phóng mau lẹ thành phố Đà Nẵng, mà không phải chờ đợi “chủ lực cơ động của Bộ” tới.

Toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toát lên một điều là Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào quần chúng, kể cả quần chúng bị bắt buộc vào trong hàng ngũ địch, đây là thời cơ nó bộc lộ ra, vô cùng sinh động, mạnh mẽ và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì phong trào đấu tranh của quần chúng đã phát triển thành ba lực lượng: Lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng chính trị quần chúng, lực lượng quần chúng bị bắt buộc.

Tôi thấy ở miền Nam, làng quê khu phố nào, dòng họ gia đình nào cũng có ba lực lượng đó cả. Có thể nói cả ba lực lượng này nó thuần hóa với nhau, nó chuyển hóa vào từng con người một. Nhưng, chỉ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và đầy tính nhân văn của Đảng ta, khi thời cơ cách mạng hiện ra thì cả ba lực lượng này mới bộc lộ ra, phát huy sức mạnh, cộng hưởng, tạo nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, và sức mạnh đó đã thật sự làm được, làm đúng, làm có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Cục là “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã...”. Các lực lượng của cách mạng và của quần chúng đã hiệp đồng chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn tạo thành một sức mạnh vô cùng to lớn, mà chính sức mạnh này đã làm cho bộ máy ngụy quyền Sài Gòn đồ sộ, với 1,1 triệu quân ngụy được trang bị hiện đại, được viện trợ tối đa đã tan rã, sụp đổ nhanh chóng (trong quân đội và cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa lại có ba bộ phận: Phần đông là số bị bắt buộc thì đã đào ngũ một hoặc nhiều lần, số này khi có thời cơ thì liền bỏ ngũ trở về với gia đình, quê hương. Số lừng chừng, khi quân ta tiến công mãnh liệt thì chúng hoảng loạn, rã ngũ tại chỗ. Số ít thuộc loại ác ôn ngoan cố thì dao động bỏ chạy, đầu hàng, thậm chí có tên tự sát). Tinh thần “Thần tốc, táo bạo” không những chỉ đối với các binh đoàn chủ lực từ xa đến, mà còn đối với cả các lực lượng tại chỗ - lực lượng chính trị, lực lượng binh vận, kể cả lực lượng nằm trong hàng ngũ của địch cũng đã nhanh nhất, táo bạo nhất, phối hợp với lực lượng chủ lực cơ động từ xa tới. Giờ chúng ta phải hiểu chữ “Thần tốc” mà Bộ Chính trị chỉ đạo như thế mới đầy đủ.

Nhưng cũng cần phải nói cho rõ là: Chúng ta, với sức mạnh như thế nhưng cũng chỉ đề ra mục tiêu là “đánh cho Mỹ cút, Mỹ rút” thôi; còn cứ nói “đánh tiêu diệt” là không đúng, không đúng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, và cũng không thể thực hiện được. Còn “ngụy nhào” là sự kết hợp giữa tác động từ bên trong với bên ngoài đánh vào, đánh trúng huyệt hiểm, cộng với quần chúng (kể cả quần chúng bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ địch) nổi dậy như thác vỡ bờ nên ngụy sụp đổ.

Khi nghe tin Việt Nam định tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lãnh đạo nhiều nước khuyên ta chưa nên tiến hành. Nhưng với sự quyết tâm của ta và trợ giúp của nhiều nước, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc, ta đã thực hiện được quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô là rất quan trọng, thiếu điều này không được, chúng ta rất cảm ơn. Điều này sử sách phải ghi. Ghi để các thế hệ sau này thấy rõ sự sáng suốt tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại; thấy rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa sáng ngời của nhân dân ta đã cảm hóa và có sức thuyết phục to lớn đối với bè bạn, thấy rõ sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Đảng - Nhà nước và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bè bạn khắp năm châu. Không có sự giúp đỡ này thì chúng ta cũng không có đủ sức mạnh để chiến thắng một kẻ thù là cường quốc số 1 thế giới như đế quốc Mỹ.

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ sau 1954, trong nước ta có 3 khuynh hướng: Một khuynh hướng kiên quyết đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, Nam Bắc sum họp. Một khuynh hướng là - Mỹ nó mạnh quá, không thể đánh được! Và một khuynh hướng khác: Nếu đánh nó thì nguy cho cả miền Bắc! Nhưng, sau khi có Hiệp định Paris (1973), Mỹ quyết định phải rút nhưng chưa rút xong; chưa rút xong nhưng cũng không thể quay lại được. Ngụy thực hiện ráo riết “Việt Nam hóa” nhưng thực chất mới hình thành cái khung, chưa triển khai được nhiều. Khi ta đánh giải phóng tỉnh Phước Long, nó không dám phản ứng lại. Thì đây là thời cơ ta tổng tiến công và nổi dậy giải quyết dứt điểm cuộc chiến tranh. Lúc này thật sự là “Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế”, không ai còn có ý kiến gì khác. Đây là điều rất quý, là thời điểm vàng ngọc, nó thật sự đã tạo ra sức mạnh - Đây là sức mạnh tuyệt đối được hội tụ lại. Nếu để chậm một chút thì chưa chắc đã còn sức mạnh như thế. Chậm một tháng là chậm một năm. Mà chậm một năm thì chưa biết sẽ thế nào!

Với tinh thần: Trước đây, trong 9 năm cả nước đã tập trung sức người, sức của đánh thực dân Pháp, giải phóng một nửa đất nước, bây giờ cả nước lại tập trung đánh Mỹ xâm lược trong 21 năm, giải phóng nửa nước còn lại, thống nhất đất nước; ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị ra và phổ biến nghị quyết: “Thời cơ đang thuận lợi, tiến hành giải phóng miền Nam sớm nhất, mà tốt nhất là trong tháng 4-1975 với phương châm Thần tốc, Táo bạo, Chắc thắng”.

Chính vì bộ thống soái tối cao của cách mạng Việt Nam, tức là Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Bộ Chính trị, là Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã chọn đúng thời cơ và tổ chức thắng lợi, hài hòa và rất hiệu quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Chính vì quả đấm chủ lực của ta đã thực hiện đòn mở đầu vào huyệt hiểm Buôn Mê Thuột và Tây Nguyên, đã làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường; đã đẩy 1,1 triệu quân ngụy Sài Gòn lâm nhanh vào thế bị động lúng túng dẫn đến hoang mang dao động, vỡ trận và tan rã, sụp đổ trước sức mạnh như nước vỡ bờ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp miền Nam. Chính vì thế nên lúc đầu mình lo nó sẽ co cụm nhưng thực tế nó không co cụm. Mình tấn công đồng loạt, nổi dậy đồng loạt cả ba vùng chiến lược - miền núi, đồng bằng và đô thị - nên nó đã không co cụm được. Và thắng lợi của ta là thắng lợi trọn vẹn. Nói cho rõ thì ta chỉ chậm là chậm tiếp quản, chứ nổi dậy thì cả Nam bộ đã nổi dậy đồng loạt rồi. Khi ta tiến vào giải phóng đô thị, ta đã quản lý tốt công tác an toàn xã hội, bảo đảm an toàn cả con người và tài sản của mọi tầng lớp nhân dân, không để xảy ra nạn cướp bóc, đập phá, nhất là trong các đô thị. Phải nói đây là một việc chưa từng có mà ta đã làm khá tốt, vì nó rất quan trọng cho sự ổn định về sau này. Thực chất khi ta có thái độ đúng thì phần lớn các thành phần của chính quyền Sài Gòn im liền chứ không chống lại. Còn số Việt kiều di tản sang Mỹ, Pháp, Canada... mà tôi được biết thì phần lớn là hướng về Tổ quốc; mỗi năm gửi tiền về cho người thân và góp phần xây dựng quê hương đất nước, mà hiện tượng Việt kiều về thăm quê trong các dịp Tết Nguyên đán là một ví dụ điển hình.

Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng “nhân ái”. Tư tưởng “nhân nghĩa” của thời đại Hồ Chí Minh là bắt nguồn truyền thống chí nhân chí nghĩa của dân tộc, như Nguyễn Trãi từng viết trong “Đại Cáo Bình Ngô” - “Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Tư tưởng nhân nghĩa là một yếu tố cơ bản trong nền văn hóa của dân tộc, nó chuyển hóa thành lời, trong ý nghĩ thành tư tưởng chiến lược; tư tưởng này đã kết tinh trong thời đại của chúng ta là ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã dạy chúng ta: “Đánh cho Mỹ rút, ngụy sụp đổ!” chứ Bác không bao giờ nói “Đánh tiêu diệt”. Thể hiện tư tưởng này, sau Bác Hồ là đồng chí Lê Duẩn, và rồi tư tưởng đó đã chuyển hóa vào đa số chiến sĩ và đồng bào cả nước thể hiện ở chỗ trong chiến tranh, khi bắt được tù binh địch, ta đã thả hết, kể cả lính và sĩ quan Mỹ, kể cả ác ôn ngụy, kể cả ở cuộc chống Pháp trước kia và chống Mỹ vừa qua. Chính điều này nó đã thấm vào tâm can người dân nước đó, và người dân họ thấy rằng chính phủ nước họ đem quân sang đánh Việt Nam là vô đạo lý. Từ chỗ họ không hiểu về đất nước và con người Việt Nam, đến chỗ họ hiểu và thấy thương người Việt Nam, thông cảm và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để chúng ta giành thắng lợi. Đối với quân đội ngụy, khi đối mặt trên chiến trận thì buộc chúng ta phải chiến đấu để tự vệ và để bảo vệ thành quả của cách mạng; nhưng chúng ta luôn tâm niệm họ cũng là người Việt Nam, mà ta vẫn muốn cùng là người Việt thì phải thương nhau, cùng nhau xây dựng đất nước. Bởi vậy chúng ta không có hận thù, trả thù gì cả. Hơn nữa đồng bào ta trong vùng địch tạm chiếm lâu nay đã đi theo Bác Hồ, theo cách mạng, nhất là từ khi có Mặt trận Giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, nên khi họ bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của phía bên kia nhưng trong lòng họ vẫn là tinh thần dân tộc; bởi vậy khi có thời cơ là họ bỏ chạy hàng loạt. Chỉ tính riêng năm 1969, tức là ngay sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân của ta, quân số đào ngũ của quân ngụy là 107.000 người. Tại khu vực 3 huyện địa bàn tác chiến của Trung đoàn 1 Quân khu 9 trong đợt chiến đấu đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu năm 1973, có ngày quân ngụy rã ngũ tới một tiểu đoàn. Họ hiểu được thế chính nghĩa của ta, thấy được sự đối xử nhân nghĩa của chúng ta. Cũng có một số do Pháp trước kia và Mỹ sau này nó nhồi sọ nên trở thành ác ôn phản động. Nhưng trước thực trạng lính ngụy bị bắt buộc vô lính bỏ ngũ hàng loạt, thì số này nhanh chóng trở thành bị cô lập; hoặc là tự sát, hoặc là bỏ chạy; số không chạy được ta chỉ yêu cầu họ học tập cải tạo chứ không hề giết ai nên dần hiểu được chính nghĩa của ta, đây là nguyên nhân để “ngụy nhào”, 1,1 triệu quân mà tan rã tại chỗ. Chính vì không hề có cuộc trả thù “tắm máu” nào, đội quân ngụy và bộ máy ngụy quyền tan rã tại chỗ nên các đô thị của miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá. Kết thúc chiến tranh có người thắng kẻ thua nhưng không hề có sự trả thù và phục thù gay gắt. Đây là yếu tố tiên quyết, là cơ sở nền tảng cho sự ổn định chính trị để đất nước đứng vững và phát triển đi lên. Không chỉ binh lính mà cả sĩ quan Mỹ và các nước chư hầu đã sang tham chiến ở Việt Nam; họ đã gây tội ác, nhưng khi họ bị bắt lại được ta đối xử nhân đạo, được thả về, sau này họ và người thân của họ sang thăm lại đất nước Việt Nam thì họ thấy ân hận vì đã đem đau khổ cho một dân tộc hiền hậu và vị tha như thế này.

Cùng với việc tuyên truyền vận động và tổ chức lực lượng chính trị của quần chúng, dân quân tự vệ tại các xóm ấp, phố phường; ta đã dày công tổ chức các đội biệt động nội thành, các tuyến điệp báo chiến lược và chiến thuật hoạt động gan góc và thông minh sáng tạo ngay trong lòng địch, khi thời cơ đến, tất cả các lực lượng này phát huy tác dụng đã trở thành một sức mạnh lớn lao. Và, chính sức mạnh tại chỗ đó đã góp phần xứng đáng tạo nên cuộc sụp đổ tại chỗ của đối phương. Xin nêu một ví dụ:

17 giờ, chiều thứ hai, ngày 28-4-1975, Trần Văn Hương trao ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho Dương Văn Minh trước lưỡng viện. Ngay tối hôm đó, luật sư Triệu Quốc Mạnh (đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - Theo tài liệu của Thành ủy TP Hồ Chí Minh) được Dương Văn Minh giao chức Giám đốc Cảnh sát Đô thành. Triệu Quốc Mạnh lập tức ra lệnh giải tán các phòng cảnh sát đặc biệt và thả hết tù chính trị, lấy lý do “Tạo điều kiện thương thuyết” (Trích trong “Hồi ức của các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài”).

Ngay cả số quần chúng nhân dân trong nội đô mà ta chưa hề “tuyên truyền và tổ chức”, nhưng khi có tình huống thì tinh thần yêu nước và giúp đỡ lực lượng cách mạng ở trong họ cũng sẵn sàng bộc lộ. Tôi còn rất nhớ một chuyện trong dịp Tổng tiến công Mậu Thân - 1968: Tôi được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Nam Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành... Các đơn vị này đánh rất giỏi, thọc sâu vào tận quận 5, ở lại một ngày, quân nó bu tới đánh... Sau đó, khi có lệnh của cấp trên, tôi lệnh cho bộ đội rút ra. Đồng bào Hoa kiều đã chỉ dẫn cho các anh đục xuyên các tường nhà để bí mật rút ra. Chỗ nào không đục được thì vận động trên mái nhà. Còn thương binh thì bà con người Hoa và người Việt mang vô giấu, cứu chữa và nuôi dưỡng, họ bảo chữa lành mới đưa anh em ra. Tôi được biết trong đợt 1, ở quận 3 có bà mẹ khi che giấu một chiến sĩ ta bị thương trong nhà mình, người con trai của bà mẹ là trung tá hải quân ngụy, nhưng anh ta không những không tố giác hoặc xử lý người chiến sĩ thương binh Quân giải phóng mà còn đi mua thuốc để chữa chạy cho anh thương binh này. Ở quận 1 cũng có một bà mẹ có hành vi nhân ái tương tự. Cậu con trai của bà là trung úy thông tin của ngụy, nhưng anh ta đã trực tiếp lo liệu và đưa, chở chiến sĩ ta ra khỏi nội đô để đồng chí của ta tìm trở về đơn vị. Về sau hai gia đình này đi di tản.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi được đảm nhiệm làm Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đồng thời trực tiếp làm Tư lệnh Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn), đảm nhiệm mũi tiến công từ hướng Tây Nam đánh vào nội đô Sài Gòn. Đến ngày 28-4-1975, khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, chỗ đó thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, ta không đi được. Nhân dân liền về dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng ta vượt qua. Lúc đó tôi nói, anh nào đi đánh thì đi, còn anh trở lại thì làm lại nhà cho dân, tuy dân không hề đòi hỏi. Sau này anh Năm Ngà (tức Nguyễn Minh Châu), Tham mưu trưởng Miền đã chỉ huy bộ đội mình làm lại nhà cho dân, phần lớn là bằng gỗ...

Bởi vậy tôi cho rằng “Nhân ái” là cái gốc của thắng lợi, là nhân tố chủ yếu để thắng lợi. Và trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vừa qua thì thắng lợi là thắng lợi của toàn dân tộc, đã là người Việt Nam thì không hề có kẻ bại, mà ai cũng là người chiến thắng. Số ngụy quân, ngụy quyền kể cả ở trong nước và đi di tản, phần lớn bây giờ đã và đang hướng về Tổ quốc từ chính sách nhân ái này. Đây là điều minh chứng hùng hồn và sinh động cho cụm từ “Đoàn kết dân tộc”, “Chiến thắng trọn vẹn” của cách mạng Việt Nam - một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của nhân loại tiến bộ toàn thế giới!

Hà Nội tháng 4-2015

Đại tướng LÊ ĐỨC ANH
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; nguyên Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh Đoàn 232 - Cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào nội đô Sài Gòn - Gia Định tháng 4-1975.

Tin cùng chuyên mục