Lo nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp dân doanh đều đang suy giảm

Lo nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp dân doanh đều đang suy giảm

(SGGPO).- Chiều 25-5, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã có bài phát biểu đáng chú ý về bức tranh kinh tế hiện nay.

Bộ trưởng cho biết, năm 2014 là năm thành công của Chính phủ nói riêng, đất nước nói chung vì hoàn thành gần như tuyệt đối các chỉ tiêu (13/14 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu không đạt là lao động qua đào tạo, con số này phải chuẩn chỉnh, thay đổi lại). Năm 2015, nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo ta phải tăng trưởng được trên 6% và họ đều rất lạc quan vào tiềm năng của Việt Nam. Thành công này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là nhờ chúng ta xác định định hướng rất đúng, phải ổn định vĩ mô, sau đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong 1, 2 năm đầu chúng ta làm hơi chặt nhưng sau đó đã cân bằng tốt, đổi mới tốt, đi vào nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 

Hiện nay đã giảm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp từ hơn 800 giờ xuống còn 250 giờ, năm sau sẽ chỉ còn 171 giờ. Rồi số giờ giải quyết hải quan, bảo hiểm, tiếp cận điện năng… phải giảm để làm sao mọi chí phí giảm xuống và việc tiếp cận không bị gây khó khăn.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ trương, chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp, ưu đãi trong đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong nông nghiệp, chế biến nông sản, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Trong những năm tới cần tập trung nhiều hơn cho doanh nghiệp vì đây là lực lượng quan trọng sản xuất ra của cải vật chất, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận, dù tình hình kinh tế 5 tháng đầu 2015 trên đà phát triển tốt nhưng đã bắt đầu nảy sinh khó khăn. Trong đó, cần đặc biệt tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, chặn đà suy giảm của lĩnh vực này. “Chúng ta đang đối mặt với thị trường xuất khẩu nông nghiệp bị thu hẹp. Việc Bộ Công thương phát động mua dưa chỉ là giải pháp tinh thần chứ không có ý nghĩa về kinh tế”, ông Vinh thẳng thắn. “Mấy ngày trước tôi gặp các DN cao su đang rất  buồn bã, trước bán giá 150 triệu đồng/tấn, giờ thậm chí chỉ còn 25triệu đồng/tấn, đơn hàng nào được 30 triệu đồng/tấn là hiếm lắm. Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su. Đây là vấn đề không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị nữa. Nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên đã phát động trồng cao su rất mạnh mẽ, 1-2 năm nữa đến kỳ thu hoạch mà giá thế này thì phải tính thế nào”, Bộ trường Bộ KH-ĐT chỉ ra.

Bên cạnh đó, giá xuất gạo cũng đang đi xuống vì ta làm rất nhiều nhưng chất lượng kém, không đủ sức cạnh tranh như gạo Thái lan, trong khi đó một số nước bắt đầu dùng chính sách bảo hộ trong nông nghiệp, đơn cử như Indonesia trước họ nhập nhiều gạo thì nay đã ra chính sách hạn chế nhập khẩu, tự cung tự cấp. Trung Quốc cũng nói họ không có nhu cầu gạo vì sản xuất được. Có 2 nước trước chỉ nhập không xuất mà giờ tham gia xuất khẩu gạo là Ấn Độ và Pakistan; Thái Lan tích trữ lớn nên cũng bung bán ra với giá rẻ hơn để giải phóng kho nên ta bị cạnh tranh rất gay gắt. “Vậy nếu mỗi năm cứ tiếp tục sản xuất 7-8 tấn gạo thì không biết bán đi đâu”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT lo lắng. Hay như quy hoạch trồng thanh long ở Bình Thuận, lẽ ra chỉ trồng 15.000 ha nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng, đến nay đã 22.000 ha rồi, rất khó tránh khỏi thừa thãi. Như thế là đua nhau làm và cùng đua nhau chết. Vậy mà diện tích trồng vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Vì vậy, vấn đề nông nghiệp phải nhìn căn cơ và làm ngay trong năm nay. Chính phủ và các DN phải cùng nhau nhìn nhận về thị trường, về sản xuất trong nước. Chẳng hạn những khu hạn hán như Ninh Thuận, Bình Thuận vừa qua có nên tiếp tục trồng lương thực không hay nên chuyển sang những cái khác là điều phải tính toán lại.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, được đánh giá rất cao về tiềm năng, khả năng, vì vậy cần phải có tính toán cụ thể ngay lập tức nếu không đến kỳ họp Quốc hội cuối năm, rất có thể chúng ta sẽ phải nghe báo cáo tăng trưởng giảm, nhất là giảm trong nông nghiệp thì đời sống người nông dân rất khó khăn.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng lo lắng trước tình hình dịch vụ cũng đang giảm. Trong số 3 lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ) thì hiện nay, công nghiệp lại chính là lĩnh vực giúp ta tăng trưởng mạnh mẽ nhất 4 tháng qua, đặc biệt là công nghiệp chế tạo. Còn 2 lĩnh vực còn lại đều giảm. Trong đó du lịch đang giảm mạnh (tháng 5 là 506.000 lượt người, giảm 14,4% so với tháng 5 -2014 – thời điểm xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 khiến Trung Quốc cấm công dân sang du lịch Việt Nam đã là giảm lớn). Khách đến từ các thị trường lớn đều giảm mạnh (châu Á giảm 14%, trong đó khách Trung Quốc giảm tới 33%). Khách châu Âu cũng giảm gần 7%, trong đó Nga là 14%. Tổng cầu du lịch giảm tới một nửa.

“Nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp dân doanh là những động lực chính của nền kinh tế đều đang suy giảm, nếu không tháo gỡ tốt thì tốc độ tăng trưởng GDP 6,5-7% năm tới sẽ bị ảnh hưởng. Tôi rất lo lắng về vấn đề này. Vấn đề này tôi sẽ báo cáo Chính phủ một cách sâu sắc hơn tại phiên họp Chính phủ tới”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chia sẻ.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục