Dự án Luật phí, lệ phí: Cần cụ thể để tránh lạm thu

(SGGPO). - Sáng 26-5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật phí, lệ phí.

Theo tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 gồm 73 khoản phí, được sắp xếp thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành và giao Chính phủ quy định chi tiết (Chính phủ đã quy định chi tiết thành 171 loại phí). Đến nay, một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí và viện phí). Để khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công, dự thảo đã đưa ra khỏi danh mục phí 18 khoản; 5 khoản phí trước đây có quy định thu nhưng nay đã dừng thu để phù hợp với tình hình thực tế (gồm có: phí xây dựng; phí an ninh trật tự; phí phòng, chống thiên tai; phí niêm phong, kẹp chì hải quan; phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá); 6 khoản phí có cùng đối tượng điều chỉnh cần rà soát thu gọn danh mục; 5 khoản phí quy định trong danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá (gồm: phí đấu thầu; học phí; viện phí; phí giám định tư pháp; phí kiểm định đo lường chất lượng). Đồng thời dự thảo bổ sung 15 khoản phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành (như phí bay qua vùng trời, phí công chứng, phí sử dụng kho số viễn thông...).

Về lệ phí, dự thảo đã đưa ra khỏi danh mục 12 khoản lệ phí, gồm: 8 khoản lệ phí đã được quy định trong danh mục lệ phí nhưng đến nay chưa thu, dừng thu; 4 khoản lệ phí bãi bỏ để cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời dự thảo bổ sung thêm 9 khoản lệ phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành.

Như vậy, theo dự thảo danh mục phí sẽ bao gồm: 51 khoản phí (36/73 khoản trong danh mục phí hiện hành được kế thừa và 15 khoản phí quy định tại các luật chuyên ngành); 39 khoản lên phí.

Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật nhưng báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, cho biết, qua giám sát thực tế và làm việc với các bộ, ngành cho thấy, danh mục phí, lệ phí quy định trong dự thảo chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí. Vì vậy, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính cụ thể và nhằm tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân, do đó, đa số ý kiến trong ủy ban đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể.

Đối với một số loại phí, lệ phí là lệ phí trước bạ, theo ủy ban, thu lệ phí trước bạ đi kèm với nó là Nhà nước thực hiện việc xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, cơ quan thẩm tra nhất trí quy định khoản thu lệ phí trước bạ. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế thu lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

Cũng trong sáng 26-5, Quốc hội đã thảo luận về sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN). Điểm được nhiều ĐB quan tâm là vấn đề giá trị của báo cáo kiểm toán.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), đặt câu hỏi: Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện? Từ đó, ĐB này phân tích, báo cáo kiểm toán không phải là văn bản quy phạm pháp luật vì không phải là cơ quan quản lý nhà nước; các nhận xét đánh giá trong báo cáo kiểm toán là đơn phương và chỉ bắt buộc thực hiện sau khi cơ quan hành pháp xác định sai phạm. Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán được đánh giá trên cơ sở chuyên môn sâu nhưng cũng có thể kết luận thiếu khách quan. Do vậy, theo ĐB Vẻ, dự thảo cần sửa đổi theo hướng báo cáo của KTNN sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thì có giá trị bắt buộc trong việc sử dụng tài sản công.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), cho rằng, báo cáo này KTNN phải có giá trị bắt buộc để không làm thực thi khuyết nhược điểm, kỷ luật tài chính nghiêm minh vì đây là một trong nững căn cứ trong điều chỉnh. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), cũng cho rằng, nên chuyển báo cáo KTNN thành kết luận KTNN thì mới có giá trị pháp lý, bắt buộc.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục