Kỷ luật ngân sách có vấn đề nhưng chưa ai bị xử lý

Chiều 28-5, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình Quốc hội về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Kỷ luật ngân sách có vấn đề nhưng chưa ai bị xử lý

Chiều 28-5, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình Quốc hội về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Không mở rộng thẩm quyền Tòa án nhân dân tỉnh, thành

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thành xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.

Về thủ tục rút gọn, Ủy ban Tư pháp tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn và điều kiện áp dụng thủ tục trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục rút gọn. Thủ tục rút gọn được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường.

Cần biện pháp quyết liệt chấm dứt vượt chi

Thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, các ĐBQH đều bức xúc về vấn đề kỷ luật ngân sách không được thực hiện nghiêm, bội chi lớn và tình trạng này luôn lặp đi lặp lại qua nhiều năm không được khắc phục. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chỉ ra, bội chi lớn, vượt xa Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết bội chi năm 2013 ban đầu là 4,8%, rồi điều chỉnh lên 5,3% nhưng thực tế là 6,6%. Bội chi lớn gây hậu quả xấu đối với nền tài chính, nợ công, thất thoát lãng phí, thói quen trong quản lý sử dụng ngân sách… ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) bức xúc, kỷ luật ngân sách có vấn đề nhưng chưa có ai bị khiển trách, xử lý cả, dù báo cáo năm nào cũng nêu nhiều khuyết điểm. Đó chính là vấn đề.

Nhiều ĐBQH kiến nghị cần có chế tài xử lý với những trường hợp không thực nghiêm kỷ luật ngân sách. ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về vấn đề bội chi, làm rõ khả năng trả nợ, công khai hơn nữa việc thu chi ngân sách. Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), kỷ luật ngân sách chưa nghiêm là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi. “Đã đến lúc cần có biện pháp quyết liệt để chấm dứt vấn đề vượt chi ngoài dự toán. Đau cũng phải làm”, ĐB Lê Nam nói. ĐB Trần Du Lịch cũng yêu cầu chỉ rõ các địa phương vi phạm ngân sách, tránh tình trạng “cứ nói rồi xuê xoa với nhau, năm nào cũng vậy”.

Đáng chú ý, theo các ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Phùng Đức Tiến (Hà Nam) một biểu hiện khác của kỷ luật ngân sách chưa nghiêm là trong khi vượt chi lớn thì chi cho giáo dục, y tế, khoa học nhiều năm liền không hoàn thành. Như vậy là rất lãng phí, vì giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. “Tại sao có tiền mà không tiêu được? Có phải do thủ tục? Cần phải làm rõ. Ngoài kỷ luật tiêu quá nhiều tiền nên chăng cũng có kỷ luật vì không tiêu được tiền?”, ĐB Lê Nam nêu.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết:  “Bội chi tăng là do tăng chi hoàn trả thuế VAT (13.000 tỷ đồng), tăng chi  giải ngân ODA (trên 29.000 tỷ đồng)...”. Về nguồn bù đắp bội chi, năm 2013 vay trong nước là trên 180.000 tỷ đồng; vay nước ngoài là trên 56.000 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện dự toán thu - chi như trên, tính đến hết năm 2013 so với GDP thực tế thì dư nợ Chính phủ là 42,6%, dư nợ nước ngoài của quốc gia là 37%, nợ công là 54,5%. Nợ công vẫn ở trong giới hạn, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng thất thu trong quản lý ngân sách, nhất là trong thu thuế và hiện ngành tài chính đang thực hiện nghiêm việc xử lý các sai phạm ª

LÂM NGUYÊN

 Trưng cầu ý dân có giá trị quyết định khi “quá bán kép”

Ngày 28-5, dự án Luật Trưng cầu ý dân được trình Quốc hội. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - đơn vị chủ trì soạn thảo dự luật, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 Điều. Dự thảo luật được xây dựng theo phương án cụ thể hóa tối đa các quy phạm để áp dụng trực tiếp, không ban hành nghị định hay hình thức văn bản khác để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, về phạm vi trưng cầu ý dân hiện có hai loại ý kiến. Dự thảo quy định theo hướng, các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quan điểm này.

Đáng lưu ý, theo dự thảo này, kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định khi đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép”, cụ thể là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.

Thận trọng hơn, có ý kiến đề nghị, vì Hiến pháp là đạo luật đặc biệt quan trọng, do đó, ngoài quy định chung  như trên, trong trường hợp trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

ANH THƯ


Tin cùng chuyên mục