Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

(SGGPO).- Chiều 4-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

(SGGPO).- Chiều 4-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh, bức xúc nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề giá điện quá cao khi tính theo lũy tiến; chế độ chính sách cho các đối tượng người có công chưa thỏa đáng; đời sống nông dân còn nhiều khó khăn khi mà sản xuất còn bấp bênh về thị trường, thương hiệu nông sản chưa được quan tâm; tiền lương chưa đủ sống...

Cử tri Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐND xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa cho rằng, hiện nay lương tối thiểu (1.150.000 đồng/tháng) mới chỉ bảo đảm chưa đến 70% mức sống cơ bản. Vì vậy, Nhà nước cần sớm tăng lương theo lộ trình. Lương tối thiểu cần phải tăng lên mức 1.500.000 đồng/tháng để bảo đảm mức sống cơ bản của người hưởng lương, nhất là lương hưu.

Về cách tính giá điện lũy tiến mà vừa qua dư luận bức xúc, cử tri Nguyễn Hồng Lư, xã  Ngọc Sơn, Hiệp Hòa nêu: do nhu cầu cuộc sống, người dân đã đóng góp để xây dựng các công trình điện. Nhưng từ khi bàn giao lưới điện cho điện lực để nâng cấp công trình điện thì đến nay, lũy tiến thu tiền điện ngày càng tăng. “Nếu  các ngành khác, càng sử dụng nhiều thì càng được giảm giá; nhưng ngành điện kinh doanh độc quyền thì càng sử dụng nhiều càng giá cao. Người dân muốn sử dụng các tiện nghi nhưng lại lo tiền điện. Đó là nghịch lý”, cử tri bức xúc.

Trao đổi với các cử tri, về kiến nghị tăng lương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, từ trước, hàng năm, căn cứ vào nhu cầu cuộc sống và  khả năng thu chi ngân sách, Nhà nước đều tăng lương cho cán bộ công chức, người hưởng lương hưu, xác định lương cho khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân sách mấy năm qua khó khăn, thu không đạt như dự kiến, vì vậy không thể tăng lương như lộ trình. Vì vậy, Chính phủ bắt buộc chỉ tăng lương cho người về hưu, người có mức lương thấp. Tới đây, khi kinh tế đất nước ổn định hơn, thu ngân sách bền vững hơn, Nhà nước sẽ thực hiện tăng lương đúng lộ trình.

Về ý kiến của cử tri, tại sao càng dùng nhiều điện thì giá càng đắt?, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ý kiến này của cử tri rất xác đáng. Tuy nhiên, Nhà nước đã bù giá điện trong suốt 40 năm, điều đó khiến việc đầu tư phát triển nguồn điện để bảo đảm nhu cầu sử dụng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Chính phủ đang dần đần đưa điện tiệm cận giá thị trường. Nguyên tắc là Nhà nước xác định một mức điện năng tối thiểu đủ để người nghèo sử dụng, và với số điện năng tối thiểu đó, Nhà nước vẫn bù giá; còn qua mức tối thiểu đó thì Nhà nước không bù lỗ nữa. Đó chính là cách tính giá điện lũy tiến để tránh bù lỗ giá điện.

“Khi điều kiện tốt lên, Nhà nước sẽ không còn phải bù giá điện nữa, lúc đó giá điện sẽ chỉ còn một mức. Còn trong điều kiện hiện nay, mọi người dân cần có ý thức sử dụng tiết kiệm điện, nhà nước chỉ bù tiền điện cho người nghèo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giải thích.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục