Bế mạc kỳ họp 18 HĐND TPHCM khóa VIII: Phối hợp giải quyết các vấn đề gây bức xúc

“Truy” án quá hạn, tồn đọng
Bế mạc kỳ họp 18 HĐND TPHCM khóa VIII: Phối hợp giải quyết các vấn đề gây bức xúc

Ngày 30-7, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp 18 HĐND TPHCM khóa VIII, các đại biểu (ĐB) đã tập trung chất vấn nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến kết quả giải quyết các vụ án dân sự và môi trường.

“Truy” án quá hạn, tồn đọng

Tình trạng án dân sự quá hạn, tồn đọng là một trong những vấn đề các ĐB chất vấn bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TPHCM. ĐB Lê Thị Bình Minh hỏi: “Trong 6 tháng đầu năm 2015 có 1.043 vụ án đã quá hạn giải quyết. Nguyên nhân? TAND TP có biện pháp gì giải quyết tình trạng này?”. Sau khi thông tin lượng án tại TPHCM luôn tăng cao, năm sau tăng hơn năm trước 10%, bà Ung Thị Xuân Hương nêu một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến số vụ án tạm đình chỉ, án quá hạn còn nhiều: Hầu hết là những vụ án phức tạp, pháp luật quy định chưa rõ ràng, còn nhiều quan điểm khác nhau nên thẩm phán ngại đưa ra xét xử, bởi nếu xử xong mà án bị hủy, sửa sẽ ảnh hưởng việc tái bổ nhiệm; một số thẩm phán chưa thật sự tận tâm với công việc, trình độ thẩm phán chưa đồng đều; lãnh đạo TAND thành phố và quận, huyện đôi lúc chưa quyết liệt đưa ra chế tài nghiêm khắc đối với những thẩm phán để án quá hạn, án tạm đình chỉ có vi phạm. Nguyên nhân khách quan là theo quy định của ngành, 6 tháng đầu năm 2015 được tính từ ngày 1-10-2014 đến ngày 31-3-2015. Trong 6 tháng này, tháng 9 là tháng kết thúc thi đua, tháng 10 hầu như không xét xử do là tháng kiểm tra chéo giữa các quận, huyện, các cụm thi đua, 15 ngày trước và 15 ngày sau Tết Nguyên đán người dân không lên tòa, nên ảnh hưởng tiến độ giải quyết hồ sơ vụ việc.

Một vấn đề khác được các ĐB “truy” gắt gao là việc tạm đình chỉ vụ án vào tháng 8, tháng 9 - khoảng thời gian chuẩn bị kết thúc năm thi đua của ngành tòa án. ĐB Trần Trọng Dũng nêu thực tế tại TAND quận Bình Tân, trong 65 vụ án tạm đình chỉ của TAND quận Bình Tân tính đến ngày 31-3-2015, có đến 58 vụ tạm đình chỉ rơi vào thời gian tháng 8, 9 năm 2014, chiếm gần 90%. Cá biệt có những thẩm phán của TAND quận Bình Tân trong một ngày ra quyết định tạm đình chỉ từ 7-8 vụ án. Khi được chất vấn vấn đề này, Chánh án TAND quận Bình Tân trả lời rằng do áp lực đến ngày 30-9 là hết hạn tính thi đua của ngành tòa án. “Chúng tôi rất băn khoăn, nếu như thế này người dân rất thiệt thòi”, ĐB Trần Trọng Dũng bày tỏ. ĐB Dương Văn Nhân bày tỏ băn khoăn: “Đi sâu vào một số trường hợp, chúng tôi nghe nói rằng nếu không đình chỉ thì không xét được thi đua. Vậy tôi xin hỏi các đồng chí có chỉ đạo không?”. Về vấn đề này, Chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương khẳng định: “Ban cán sự Đảng TAND TPHCM không chấp nhận việc tạm đình chỉ để đối phó với chỉ tiêu thi đua. ĐB hoặc cử tri phát hiện thẩm phán nào làm như vậy thì thông tin, chúng tôi sẽ xử lý”.

Doanh nghiệp nhà nước “ù lì” di dời ô nhiễm

Phiên chất vấn Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nóng với các vấn đề: 5 doanh nghiệp nhà nước ù lì không chịu di dời; đến thời điểm này còn bao nhiêu DN gây ô nhiễm phải di dời?; việc xử lý các DN vi phạm không khắc phục tình trạng ô nhiễm kéo dài; các giải pháp di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tài chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT  DŨNG      

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt cho biết, việc di dời tất cả các cơ sở gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp ở ngoại thành, HĐND TP có nghị quyết từ năm 2002, sẽ kết thúc công tác di dời năm 2005 với tổng cộng 1.402 cơ sở. Chương trình di dời trước đây do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) chủ trì nhưng kéo dài đến năm 2007 chưa xong nên sau đó chuyển sang Sở TN-MT. Thời điểm chuyển giao còn 141 cơ sở và đến nay còn 6 cơ sở gây ô nhiễm. Ông Kiệt cho biết, 6 cơ sở còn lại này là những cơ sở “xương xẩu”, gồm: Công ty nước mắm Việt Hương Hải, Xí nghiệp đóng tàu Bình Triệu, Công ty dệt may Gia Định - Phong Phú, Công ty dệt Sài Gòn, Xí nghiệp đóng tàu Petrolimex, Công ty giấy bao bì Thăng Long. Các DN này bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chưa chịu di dời.

Lý giải việc chậm di dời này, ông Kiệt nhấn mạnh, trong số các cơ sở di dời có đến 80% chấp hành tốt, 20% còn lại là ù lì. “Tại sao ù lì, vì trong 6 cơ sở gây ô nhiễm chỉ có một cơ sở tư nhân, còn lại 5 cơ sở Nhà nước, nên các anh này có tính ỷ lại”, ông Kiệt lý giải. “Còn đối với Công ty nước mắm Việt Hương Hải, do ủy ban không cho quy hoạch sản xuất nước mắm nên DN này đành xin ở lại sản xuất”, ông Kiệt nói. Giám đốc sở này cũng nhận trách nhiệm trước HĐND TP về việc thiếu cương quyết trong xử lý.“Tất cả các cơ sở này chúng tôi đã có lộ trình, tức là đến giữa năm 2016 là phải di dời dứt điểm”, ông Kiệt khẳng định.

Khắc phục những điểm yếu kém

Chiều 30-7, kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa VIII diễn ra phiên bế mạc. Tại đây, các đại biểu HĐND TP đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng cuối năm 2015; Nghị quyết về chất vấn và trả lời; Nghị quyết về công tác giám sát thực hiện Nghị quyết 28/NQ-HĐND của HĐND TPHCM…

Kết thúc phiên chất vấn - trả lời chất vấn, thay mặt Thường trực UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; đặc biệt đối với các vấn đề đang gây bức xúc trong dân như ngập nước nội thị, trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, cấp nước sạch, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn… Những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận nhìn nhận có nguyên nhân chủ quan, do năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp chưa đáp ứng yêu cầu, còn nặng về giải quyết  tình thế, chưa gắn kết với việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, lâu dài; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; một số cơ chế, chính sách được ban hành nhưng chậm triển khai thực hiện; công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết, chính quyền TP tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ  các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường… Về công tác cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh phục vụ nhân dân TP, chính quyền và các sở ngành địa phương sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trong năm 2015 và tiếp tục nâng chất, phát triển trong giai đoạn 2015 - 2019 theo 3 nhóm giải pháp: đưa mạng lưới cấp nước đến nhà dân, triển khai lắp đặt các bồn chứa nước phục vụ dân và lắp đặt các thiết bị lọc nước tại từng hộ dân; đồng thời đảm bảo người dân nội thành và nông thôn phải được hưởng nước sạch tiêu chuẩn như nhau…

VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục