Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự

* Xác định rõ quy trình chất vấn, trả lời chất vấn

(SGGPO).- Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 đã khai mạc sáng nay 24-8.

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm của phiên họp này là tiếp tục thảo luận, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan lĩnh vực tư pháp trình Quốc hội thông qua để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) để các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Ttrung Lý cho biết: “Dự thảo BLDS, một mặt không coi các hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể đầy đủ của quan hệ pháp luật dân sự; cũng loại trừ việc điều chỉnh đối với hộ gia đình sử dụng đất - vốn đang là vấn đề gặp nhiều vướng mắc hiện nay. Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về hai phuơng án của chủ thể quan hệ pháp luật dân sự. Phương án 1: Quy định về sự tham gia vào quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như Điều 102 của dự thảo BLDS. Phương án 2: tiếp tục quy định về các chủ thể quan hệ dân sự là hộ gia đình, bao gồm cả hộ gia đình sử dụng đất, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như BLDS hiện hành.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 308 dự thảo mới, Điều 310 dự thảo trình Quốc hội) là một nội dung mới được bổ sung vào dự thảo BLDS nhằm trao cho bên nhận bảo đảm quyền chủ động lớn hơn trong việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, với điều kiện là đã thực hiện các nghĩa vụ thông báo cho bên bảo đảm và chỉ được thực hiện quyền của mình nếu không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. “Một số ý kiến cho rằng, việc trao quyền chủ động lớn hơn cho bên nhận bảo đảm, nhưng các điều kiện để bên nhận bảo đảm thực hiện quyền này lại quy định chung chung, thiếu cụ thể và rõ ràng, có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng, xâm hại đến nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu đã được Hiến pháp ghi nhận”, ông Lý nói. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên bổ sung quy định này trong BLDS. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm thì thực hiện theo thỏa thuận đó, nếu xảy ra tranh chấp thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Một vấn đề quan trọng khác được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị là việc điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án. Phương án 1: bỏ Điều 435 của dự thảo BLDS theo ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội với lý do Tòa án không thể can thiệp vào sự tự do ý chí, tự nguyện giao kết hợp đồng của các bên. Phương án 2: Giữ lại Điều 435 và có chỉnh lý lại Điều này cho chặt chẽ hơn theo hướng làm rõ khái niệm thế nào là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trong trường hợp xuất hiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nếu có đủ các điều kiện quy định trong BLDS, các bên có trách nhiệm đàm phán để sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng. Tòa án chỉ sửa đổi hợp đồng nếu có yêu cầu của các bên, trong trường hợp này là các bên đã có thiện chí đàm phán, nhưng do không thống nhất được về nội dung thỏa thuận nên đề nghị Tòa án phân xử và quyết định các nội dung sửa đổi hợp đồng trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai bên. Nếu chỉ có yêu cầu của một bên thì Tòa án không có quyền sửa đổi hợp đồng mà chỉ có thể tuyên chấm dứt hợp đồng.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM ủng hộ hướng đổi mới BLDS theo tiếp cận của cơ quan soạn thảo. Ông cho rằng chỉ nên quy định chủ thể quan hệ dân sự là pháp nhân và thể nhân (cá nhân), ngoại trừ các trường hợp đặc thù của Luật Đất đai (về hộ gia định) thì quy định riêng…

 Xác định rõ quy trình chất vấn, trả lời chất vấn

Buổi chiều, các đại biểu đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Theo đó, liên quan đến nội dung chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ về quy trình chất vấn, trả lời chất vấn. Trong trả lời chất vấn bằng văn bản, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở nước ta hoạt động theo kỳ họp, thì căn cứ vào chương trình kỳ họp (hoặc phiên họp); căn cứ vào ý kiến, kiến nghị của cử tri; vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu, Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân) quyết định thời gian, nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn là phù hợp. Trường hợp chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn, đại biểu có thể chất vấn lại vấn đề mình quan tâm tại phiên chất vấn.

Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, qua thảo luận có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành trong Luật chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và đề nghị bổ sung thêm một số quy định về quy trình có tính nguyên tắc vào dự thảo Luật, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ tiếp tục thực hiện theo của Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị tập hợp các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội vào trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để thể hiện cho thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện và tránh tình trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành loại ý kiến thứ nhất.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục