Quy định lãi suất không nên “cứng” hóa cả 3 yếu tố động

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách ngày 24-8, dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) đã được các ĐBQH cho ý kiến.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách ngày 24-8, dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) đã được các ĐBQH cho ý kiến.

Dân kêu sao lại từ chối?

 “Nhân dân đặt ra Nhà nước để giải quyết việc của dân, xưa nay vẫn thế. Vậy thì dân kêu sao lại từ chối?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói về dự án BLDS (nội dung quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, cụ thể là tòa án không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự với lý do không có điều luật quy định mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Hiến pháp 2013 đã giao tòa thực hiện quyền tư pháp, quyết định đúng - sai, phải - trái. Nói không có điều luật thì không nhận, cơ quan nhà nước bảo dân về để tự giải quyết với nhau thì chẳng có trách nhiệm gì cả. Chúng ta phải tính để đảm bảo cho tòa xử lý được. Cần bàn theo hướng đó chứ không phải bàn “đuổi” dân về”.

Đánh giá cao cách tiếp cận của ban soạn thảo và hướng đổi mới trong dự thảo, đại biểu Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM) cũng cho rằng tòa án từ chối giải quyết vì chưa có điều luật là không thể chấp nhận được. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đề nghị “Xác định “lẽ công bằng” là thế nào thì đúng là khó, nhưng phải tin ở thẩm phán - là người có trình độ và đạo đức đã được công nhận, chứ cứ để dân chạy lòng vòng rất khổ”.

Trong khi đó, các ĐB Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh; Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)… vẫn không đồng tình với quy định tại dự thảo, với lý do “cơ quan nhà nước phải xử lý theo pháp luật chứ không thể theo cái không phải pháp luật”. Để “gỡ” những trường hợp này, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị nếu chưa có điều luật thì giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh hoặc Hội đồng thẩm phán khẩn trương tổng hợp, hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ xét xử.

Băn khoăn về thu giữ tài sản bảo đảm

Tòa án không nên can thiệp sâu vào việc dân sự là nguyên tắc được nhiều ĐB tham dự phiên họp tán thành và coi là “sợi chỉ đỏ” để xử lý nhiều vấn đề cụ thể. Các ĐB Nguyễn Bá Thuyền, Trần Du Lịch, Lê Nam (Thanh Hóa) thống nhất với quy định tòa án không thể can thiệp vào sự tự do ý chí, tự nguyện giao kết hợp đồng của các bên.

Đáng lưu ý là quy định về thu giữ tài sản bảo đảm - một nội dung mới được bổ sung vào dự thảo BLDS. Quy định này trao cho bên nhận bảo đảm quyền chủ động lớn hơn trong việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm (với điều kiện là đã thực hiện các nghĩa vụ thông báo cho bên bảo đảm và chỉ được thực hiện quyền của mình nếu không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội). Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên bổ sung quy định này trong BLDS. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm thì thực hiện theo thỏa thuận đó, nếu xảy ra tranh chấp thì tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói: “Quy định như dự thảo thì thuận cho ngân hàng, nhưng cũng nguy hiểm; dễ gây thiệt hại cho người có tài sản bảo đảm. Người ta vay 1 triệu đồng, thế chấp bằng xe máy giá trị lớn hơn nhiều, giờ chưa trả được không lẽ tịch thu luôn cái xe máy đã thế chấp đó hay sao?”.

Chưa đồng tình cả 2 phương án về lãi suất

Liên quan đến lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, dự thảo BLDS đã trình Quốc hội quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các ĐBQH về 2 phương án. Phương án 1 là quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS; trong khi phương án 2 quy định như dự thảo trình Quốc hội.

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch có quan điểm riêng về vấn đề này. Không đồng tình với cả hai phương án đã nêu, ĐB Trần Du Lịch giải thích: “Lãi suất là giá phải trả cho việc sử dụng vốn, phụ thuộc 3 yếu tố: cung - cầu, lạm phát, mức độ rủi ro trong sử dụng vốn. “Cứng” hóa cả 3 yếu  tố động này như cả hai phương án trên là không phù hợp với quy luật thị trường. Cho nên chỉ coi là có tội cho vay nặng lãi khi vì một lý do đặc biệt nào đó, bên vay bị ép buộc phải chấp nhận lãi suất cao”.

Xác định rõ quy trình chất vấn, trả lời chất vấn

Liên quan đến nội dung chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ về quy trình chất vấn, trả lời chất vấn. Trong trả lời chất vấn bằng văn bản, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở nước ta hoạt động theo kỳ họp, thì căn cứ vào chương trình kỳ họp (hoặc phiên họp); căn cứ vào ý kiến, kiến nghị của cử tri; vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu, Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân) quyết định thời gian, nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn là phù hợp. Trường hợp chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn, đại biểu có thể chất vấn lại vấn đề mình quan tâm tại phiên chất vấn.

Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Trong luật chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Bổ sung thêm một số quy định về quy trình có tính nguyên tắc vào dự thảo luật, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ tiếp tục thực hiện theo của Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về vấn đề này.  


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục