Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng

Sáng 1-10, tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 -- 1-10-2016).
Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng

(SGGPO).- Sáng 1-10, tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 -- 1-10-2016).

Dự lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ...

Trước đó, vào sáng sớm 1-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đến viếng Cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà lưu niệm ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm hỏi và tặng quà hậu duệ của Cụ Huỳnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp hương, viếng Cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà lưu niệm ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương dự lễ viếng Cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà lưu niệm ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng, đức cao, vọng trọng, suốt một đời vì nước, vì dân, mãi mãi để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã suốt một đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, 71 năm tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, Cụ trước sau luôn thể hiện nhân cách của một chí sĩ suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cụ là chí sĩ yêu nước tiêu biểu, góp phần quan trọng tạo nên gắn kết các phong trào và khuynh hướng yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ XX với sự nghiệp cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, với lòng yêu nước thiết tha, bản lĩnh kiên cường và nhân cách cao đẹp, cả đời nung nấu ý chí cứu dân, cứu nước, Cụ Huỳnh đã đến với cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành người bạn tri kỷ, chân thành của Bác. Từ một chí sĩ Nho học đầu thế kỷ XX và một yếu nhân trong phong trào Duy Tân, Cụ đã trở thành một người lãnh đạo Nhà nước cách mạng Việt Nam và đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cụ Huỳnh là một nhà báo, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ yêu nước, nhà dịch thuật tài năng với ngòi bút sắc bén “phò chính, trừ tà”. Sự nghiệp văn chương, sử học của Cụ trải dài liên tục trên chặng đường gần nửa thế kỷ, gửi gắm tâm nguyện, tình cảm, hoài bão phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đóng góp ở đỉnh cao về tư tưởng phải kể đến những sáng tác của Cụ thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám. Những bài thơ, bài báo, bài viết trong giai đoạn này đều thể hiện tình cảm tha thiết của Cụ đối với nhân dân, dân tộc và đất nước.

Đặc biệt, là một nhà sử học uyên bác, Cụ đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà; đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhấn mạnh “không nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta”. Đến nay, những trăn trở, suy tư của Cụ Huỳnh về đất nước, về chủ quyền biển, đảo vẫn còn nguyên giá trị, qua đó ta càng thấm thía hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của Cụ đối với dân tộc và đất nước.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trí thức không màng danh lợi, không cầu vinh hoa, phú quý, quyết dấn thân vào cuộc đấu tranh cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, bất chấp tù đày gian khổ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm, tặng quà cho hậu huệ Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh tháng 10 năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1900, cụ Huỳnh Thúc Kháng đỗ giải Nguyên kỳ thi Hương và đến năm 1904 đỗ Tiến sĩ.

Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam và của quê hương Quảng Nam, trước cảnh đất nước lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nên dù đỗ đại khoa nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà dấn thân vào các hoạt động yêu nước đang diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX.

Năm 1904, Cụ cùng những sĩ phu yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can...khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền trong nhân dân tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách với tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Với những hoạt động yêu nước nêu trên, nhân phong trào xin xâu chống thuế ở Quảng Nam, năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo cho đến năm 1921.

Sau khi được trả tự do, cụ Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục các hoạt động yêu nước. Năm 1926, Cụ ứng cử và đắc cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, được bầu làm Viện trưởng. Năm 1928, vì bất đồng với thực dân Pháp, Cụ từ chức Nghị viên để lập ra công ty Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời tham gia Chính phủ lâm thời, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, Cụ được giao giữ Quyền Chủ tịch nước. Với trọng trách được giao, Cụ vừa tích cực góp phần xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động.

Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Trung bộ.

Ngày 21-4-1947, Cụ lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng như là một tấm gương tiêu biểu của một bậc đại trí thức yêu nước nhiệt thành, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, vì dân vì nước cho đến hơi thở cuối cùng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ đã bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục