Làm theo Bác từ những việc thiết thực nhất

Việc làm nhỏ, lợi ích lớn
Làm theo Bác từ những việc thiết thực nhất

Bằng những phần việc, phong trào, công trình cụ thể, thiết thực, người lao động tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang tiếp tục thể hiện hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó góp phần đưa Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (hiện nay là Chỉ thị 05) lan tỏa sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp 5 năm qua.

Trong phân xưởng thoáng mát, sạch sẽ, công nhân Công ty Geru hăng say làm việc

Việc làm nhỏ, lợi ích lớn

Một ngày làm việc mới bắt đầu, tập thể người lao động ở Công ty cổ phần Thể thao Ngôi sao Geru (Công ty Geru, quận Tân Phú, TPHCM; sản xuất bóng thể thao) hối hả vào phân xưởng. Mọi người tự giác nhắc nhở, đốc thúc nhau làm việc.

Ở tổ dán bóng, quản đốc Đỗ Thị Kim Phúc đang cùng 25 công nhân nhanh tay gia công sản phẩm. Chị Phúc phấn khởi cho biết: “Từ khi cải tiến máy cuốn chỉ 3 sợi thành 4 sợi, năng suất lao động tăng rõ rệt. Mặc dù chỉ là ý tưởng nhỏ của tổ, nhưng là điều tâm đắc mà chúng tôi đăng ký khi thực hiện học tập, làm theo Bác. Với chúng tôi, làm theo Bác nghĩa là làm những việc vừa sức mình, thiết thực nhất và mang lại hiệu quả cho tập thể”.

Là người lên ý tưởng cải tiến “Cuốn chỉ 3 sợi chuyển sang 4 sợi”, chị Phúc nhớ lại, ban đầu, máy cuốn chỉ ruột bóng chứa được 3 sợi, công nhân phải mất 10 phút để hoàn thành một ruột. Chị Phúc “nuôi” ý định rút ngắn thời gian gia công bằng cách đưa 4 sợi chỉ vào một lúc. Chị cùng một công nhân làm thử trước. Quá trình thử nghiệm gặp nhiều trục trặc vì chỉ cuốn không đều, hay đứt. “Bộ phận cơ khí đúc thêm một khe cho 4 sợi chỉ nằm riêng rẽ. Sau nhiều lần điều chỉnh, máy cuốn chỉ 4 khe vận hành xuyên suốt. Khi cuốn 4 sợi một lúc, thời gian công nhân thực hiện còn 9 phút. Nhìn con số tưởng như nhỏ nhưng cộng dồn cả năm thì năng suất nâng lên thấy rõ”, chị Phúc cho biết.

Từ đề xuất của cán bộ, công nhân viên, lãnh đạo công ty quyết định giao cho mỗi công nhân trong tổ dán bóng phụ trách hai công đoạn. Cải cách trên không những trị dứt bệnh “người dán làm ẩu, người sửa la làng” mà còn giúp công nhân ý thức, nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra. Trước kia, việc dán bóng và sửa bóng tách biệt, do hai công nhân đảm nhiệm. Giờ đây, người làm hai việc phấn khởi vì nhận thêm lương, người trước kia sửa bóng yên tâm học dán bóng, bắt đầu nhiệm vụ mới.

Việc làm theo từ những điều đơn giản nhất, thiết thực nhất lan tỏa trong toàn công ty. Từ tháng 7-2016, các tổ công đoàn tự tìm nguyên liệu sạch, nấu ăn phục vụ người lao động. Những ngày nắng nóng, cán bộ công đoàn pha nước chanh, tắc cho công nhân. Mới đây, công ty còn thay 1.500m² trần nhà, gắn quạt hút, đổi thiết bị nồi hơi…

Khuyến khích để nhân rộng phong trào

Ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân, việc làm theo Bác bằng những đầu việc thiết thực, hữu ích cho tập thể luôn được lãnh đạo đơn vị khuyến khích, nhân rộng mô hình, nhất là những việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe người bệnh.   

Ông Trần Hữu Nghĩa, Bí thư chi bộ phòng y tế, chia sẻ, cơ sở có khoảng 1.200 học viên mà cả phòng y tế chỉ có 22 người (có 4 bác sĩ, 12 điều dưỡng, y sĩ). Ngày xưa, chỉ riêng việc phát thuốc cho bệnh nhân cũng đủ khiến điều dưỡng “toát mồ hôi”, nhất là trong lúc trời mưa. Hàng ngày, điều dưỡng có nhiệm vụ phát 2 lần thuốc tận phòng bệnh, một lần phát cho vài chục bệnh nhân. Vì vậy, số lượng thuốc mang theo rất nhiều, dễ rơi rớt, người phát và người nhận thuốc thường xuyên “rối”.

Sau khi chi bộ khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động trong phòng đăng ký việc cụ thể làm theo gương Bác Hồ, lực lượng điều dưỡng đã ngay lập tức đăng ký cải tiến quy trình chăm sóc bệnh nhân. Hiện phòng y tế chia thuốc vào từng hộp nhỏ và ghi tên bệnh nhân lên trên hộp. Đến lúc phát, điều dưỡng chỉ cần đọc tên rồi mở hộp, đưa thuốc. Cả phòng còn thống nhất phương án tự giám sát, đôn đốc nhau trong giờ làm việc. Nếu người này làm việc thiếu sót hoặc mất tập trung thì ngay lập tức đồng nghiệp bên cạnh sẽ nhắc nhở, góp ý.

Theo ông Trần Hữu Nghĩa, để việc làm theo Bác được thiết thực, chi bộ luôn cổ động các đảng viên, quần chúng trong phòng thường xuyên nghĩ ra giải pháp tháo gỡ khó khăn thực tế. Ngoài ra, những buổi sinh hoạt chuyên đề định kỳ của chi bộ cũng ưu tiên nội dung về những tình huống phát sinh trong quá trình công tác, liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ. Gần đây nhất, chi bộ sinh hoạt chuyên đề Nâng cao chất lượng tầm soát lao cho học viên lang thang, không có nơi cư trú ổn định. Cả tập thể bàn bạc, xem xét cách thức phát hiện bệnh sớm, kịp thời cách ly người bệnh. Qua đó, kế hoạch “đối phó” bệnh lao được triển khai cụ thể, chi tiết đến từng người trong phòng.

“Những phương pháp, cách làm việc mới nói trên đều bắt nguồn, gắn liền với thực tiễn, đặc thù công việc hàng ngày của chúng tôi chứ không xuất phát từ ý tưởng hay mục đích lớn lao nào cả, nhưng đó là cách thiết thực nhất mà chúng tôi đã và đang làm theo Bác mỗi ngày”, ông Nghĩa bộc bạch.

Theo ông Trần Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Geru, tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đội ngũ công nhân lao động trong công ty đơn giản chỉ cần là luôn vượt khó trước mọi tình huống, luôn sáng tạo để thích ứng với thực tiễn, “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”.

KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục