Giảm mạnh tỷ lệ điều tiết, TPHCM khó phát triển

Chiều 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách năm 2016 và dự toán, phân bổ ngân sách năm 2017.

Chiều 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách năm 2016 và dự toán, phân bổ ngân sách năm 2017.

Vấn đề được nhiều ĐBQH TPHCM quan tâm là tỷ lệ điều tiết giữa TPHCM và ngân sách Trung ương. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, tổng thu ngân sách TPHCM năm 2017 được giao khoảng 348.000 tỷ đồng, so với mức thu năm 2015 tăng trên 30%. Tỷ lệ tăng lớn nhưng tỷ lệ giữ lại của TPHCM lại giảm mạnh. Cụ thể, từ trước đến nay, TPHCM được giữ lại 23% trên tổng giá trị thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, nhưng theo dự kiến, tỷ lệ này chỉ còn 18%/năm giai đoạn 2017-2020.

Theo phân tích của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, TPHCM là đô thị đặc biệt, được tạo điều kiện phát triển thành đầu tàu kinh tế. Điều đó được thể hiện qua Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM, Nghị quyết 16 là căn cứ quan trọng. Theo Nghị quyết 16, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để TP thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên. Cụ thể, xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa Trung ương và TP, thực hiện từ năm 2015 (thời điểm đó tỷ lệ được giữ lại của TPHCM là 23%); trong khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết, hàng năm, xem xét tăng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn…

Chính vì vậy, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc giảm tỷ lệ điều tiết của TPHCM từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017-2020 là quá lớn, vì 1% tỷ lệ của TPHCM có con số tuyệt đối lớn. Quan điểm của TPHCM là chia sẻ với Trung ương do những khó khăn của nền kinh tế và cũng không mong được giữ nguyên tỷ lệ 23%, song nếu giảm thì có mức độ để TPHCM có nguồn lực đầu tư. Ví dụ, tỷ lệ này có thể giảm còn 21%. Bởi lẽ, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… của TPHCM quá bức bối với tổng nguồn vốn cần thời gian tới lên đến 500.000 tỷ đồng. Trong khi hiện nay TPHCM đã cố gắng tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để; trụ sở, xe công đều không sửa chữa, mua mới và nếu phải cắt giảm thì cắt giảm chi đầu tư phát triển.

“TPHCM đầu tư phát triển thì không chỉ đầu tư cho riêng TP mà còn tạo tác động lan tỏa cả vùng. Nếu giảm đột ngột tỷ lệ được giữ lại thì TPHCM làm sao cân đối được. Là chủ tịch HĐND TPHCM, tôi cũng chưa hình dung được phân bổ ngân sách của TPHCM năm tới ra sao. Do đó, đề nghị chỉ giảm 2% để chia sẻ và tạo điều kiện cho TP… Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM cũng nên có đề nghị gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban liên quan của Quốc hội, Chính phủ”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Nghị quyết 16 với mục tiêu xây dựng TPHCM văn minh hiện đại, TPHCM vì cả nước, cùng cả nước. Yêu cầu của Nghị quyết 16 là giai đoạn 2011-2015 GDP bình quân cao hơn 1,5 lần cả nước (thực tế đạt được 1,66 lần). Chia sẻ thêm về vấn đề này, đồng chí Đinh La Thăng cho biết, hiện trụ sở các cơ quan TPHCM “không có tiền sửa chữa nữa là xây mới”, phòng lãnh đạo Thành ủy, ủy ban là cơi nới. Thách thức đối với TPHCM hiện quá lớn như: ùn tắc, ngập, quá tải bệnh viện, trường học… Hạ tầng giao thông thì “quá tải cả trên trời, dưới đất”, do đó, nếu không có sự đầu tư trở lại thì TP khó phát triển. Việc ngân sách cân đối, hài hòa cho cả vùng sâu, vùng xa là cần thiết nhưng cũng cần có sự đầu tư cho các đầu tàu để đủ lực chạy “chứ để chạy chậm, sau đó lấy lại gia tốc là khó”.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong phân chia ngân sách, tỷ lệ điều tiết, nếu không có sự kiên quyết, “cứ để các tỉnh không tự chủ tài chính phung phí xây dựng công sở, đãi ngộ, là không công bằng và kéo tụt giảm cả nước”. Còn theo ĐB Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, so với trong nước thì TPHCM đứng ở vị trí cao nhưng so với khu vực thì TPHCM đang đứng ở đâu?

“Tôi không nói tỷ lệ giữ lại bao nhiêu, 23% hay 18% là hợp lý mà vấn đề là cần bao nhiêu để “con gà đẻ trứng vàng”. Giống như điều kiện và nghĩa vụ, đầu tư cho anh tốt để thu được nhiều tiền hơn”, ĐB Phan Thanh Bình nói.

HÀ MY - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục