Học Bác yêu thương con người

Học Bác yêu thương con người

Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sống phúc âm trong lòng dân tộc… là những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Hòa thượng Danh Lung, Trụ trì chùa Chantarangsay tại phường 7, quận 3, rất tâm đắc mỗi khi nhắc đến.

Hòa thượng Danh Lung hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Phó Trưởng ban Giáo dục Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi việc dân vận gặp khó, hòa thượng đến trợ giúp. Gặp mảnh đời bất hạnh, hòa thượng vận động, chia sẻ tình thương. Là một nhà tu hành, hòa thượng hướng các phật tử, chư tăng sống tuân thủ pháp luật, có ích cho xã hội, đặt lợi ích vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc lên hàng đầu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang tặng bằng khen Hòa thượng Danh Lung - cá nhân tiêu biểutrong phong trào mặt trận

Lớn lên cùng mặt trận

Vào những ngày tham gia dưới ngọn cờ cách mạng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại quê nhà, Hòa thượng Danh Lung mới là một giới tử tròn 15 tuổi đời, trong một gia đình giàu có, đất ruộng cò bay thẳng cánh ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang (vùng Miệt Thứ). Cả gia đình hòa thượng đều là cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cha của hòa thượng bị địch bắt đến những 3 lần do tiếp tế lương thực vào vùng kháng chiến và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Lần thứ ba bị bắt, địch trói ông vào gốc dừa chuẩn bị xử bắn thì may mắn có người cô họ, lúc đó làm trưởng ấp, đứng ra bảo lãnh nên ông thoát chết.

Ngày 10-6-1974 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời tham gia cách mạng của giới tử Danh Lung. Ông cùng các vị sư sãi ở các chùa tỉnh Kiên Giang kích động nhân dân biểu tình chống chế độ Mỹ ngụy. Lực lượng biểu tình bị đàn áp dã man, 10 vị sư bị thương và 4 vị sư hy sinh (sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được công nhận là liệt sĩ).

Giới tử Danh Lung bị địch truy lùng gắt gao, phải từ bỏ quê nhà ở ấp Bào Tro, xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, tạm lánh mặt về chùa Xà Xim Cũ tại xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang (nơi đây là vùng căn cứ) để tiếp tục hoạt động. Hàng ngày, giới tử Danh Lung giả dạng làm người đi chợ, có lúc giả đi đặt ống trúm bắt lươn, có lúc đi nơm cá ngoài ruộng… để nắm bắt tình hình hoạt động của địch, mỗi ngày báo cáo với mặt trận. Do yêu cầu công tác, giới tử Danh Lung trở lại quê nhà Bào Tro, cùng với cha mình đảm nhận công tác hết sức khó khăn và nguy hiểm là bí mật lấy xác các chiến sĩ hy sinh sau những trận chiến ác liệt thường xuyên xảy ra trên vùng căn cứ Miệt Thứ.

Hòa thượng Danh Lung bùi ngùi nhớ lại, người làm công tác này trước tiên đòi hỏi phải hết sức gan dạ, không sợ ma, không sợ địch, có sức khỏe, chịu đựng trầm mình dưới đầm lầy cả đêm lạnh lẽo, muỗi bu đỉa cắn cũng không dám nhúc nhích vì chỉ cần khua nước sẽ bị địch phát hiện, là kể như chết. Để thực hiện được nhiệm vụ, người lấy xác phải mưu trí tìm mọi cách đưa xác đồng chí mình xuống sông, dùng xuồng ba lá nhận chìm để dễ bê xác vào xuồng, lắc nước cho xuồng hơi nổi lên, rồi phủ rau mác, lục bình lên trên, nắm dây lội nhè nhẹ kéo đi như dề lục bình đang thả trôi theo con nước, để về vùng căn cứ chôn cất.

Tu thân - hành đạo

Hòa thượng Danh Lung khẳng định: “Người xuất gia không có nghĩa là đoạn tuyệt với mọi thế sự ngoài đời, mà phải luôn có trách nhiệm, cùng gánh vác, cùng đóng góp sẻ chia, kể cả niềm vui lẫn nỗi buồn”.

Với tinh thần đó, Hòa thượng Danh Lung đã tạo ra một mô hình sinh hoạt độc đáo trong chùa Chantarangsay đối với các vị sư trẻ mà hiếm ngôi chùa nào có được. Hòa thượng đề xuất với Quận đoàn 3 TPHCM thành lập một Chi hội Thanh niên trực thuộc Phường đoàn 7 để các vị sư trẻ cùng với các học sinh - sinh viên, đang được nhà chùa nuôi dưỡng ăn học, có điều kiện sinh hoạt, trao đổi, học tập lẫn nhau, để người tu trong chùa không thấy mình tách biệt với xã hội. Qua sinh hoạt chi hội thanh niên, các nhà sư trẻ được biết, được nghe, được đọc nhiều hơn về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ chính là nền tảng để các vị sư trẻ hoàn thiện mình hơn trong con đường tu học, từ đó hết lòng đóng góp cho xã hội.

Hòa thượng Danh Lung thường nói với các chư tăng, giới tử: “Bác Hồ đã từng dạy: Học, học nữa, học mãi. Làm người mà không có tri thức là kể như chỉ có một chân khập khiễng bước vào đời, không thể nào giúp ích được gì cho xã hội”. Để làm gương, Hòa thượng Danh Lung chú tâm học bổ túc văn hóa với quyết tâm phải vào đại học. Năm 1997, Hòa thượng Danh Lung tốt nghiệp Trường Đại học Kiến Trúc TPHCM.

Vốn xuất thân từ một gia đình làm nông ở vùng sâu vùng xa Miệt Thứ, nên Hòa thượng Danh Lung rất thấu hiểu hoàn cảnh của những sinh viên, học sinh nghèo lên TPHCM học tập, thiếu trước hụt sau. Vậy là hòa thượng mở rộng cửa chùa, tiếp nhận những sinh viên, học sinh dù hoàn cảnh khó khăn vẫn quyết tâm học tập. Nhà chùa lo từ nơi ăn chốn ở, kể cả học phí cho đến khi tốt nghiệp đại học. Nhiều bác sĩ, kỹ sư, giáo viên đã thành đạt từ ngôi chùa Chantarangsay. Ngoài việc chăm lo cho học sinh, sinh viên, Hòa thượng Danh Lung còn thường xuyên tổ chức các chuyến làm từ thiện giúp người nghèo. Đặc biệt, bất kỳ nơi nào có xảy ra thiên tai bão lũ, thì nơi cơn bão vừa đi qua đã xuất hiện bóng dáng nhà sư Danh Lung kịp thời có mặt, cùng sẻ chia những mất mát, thương tâm của người dân.

“Từ ngày tham gia công tác mặt trận thì những việc làm của sư cũng mang tính… mặt trận. Trong đó, tính nhân nghĩa, tính đoàn kết dân tộc là nghĩa là tình thiêng liêng nhất”, Hòa thượng Danh Lung thổ lộ.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục