Đột phá khâu kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Đột phá khâu kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Đưa nghị quyết đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

Đột phá khâu kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ảnh 1

“Nếu đột phá vào giải pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng sẽ tạo ra hiệu quả tích cực cho việc thực hiện các giải pháp khác (về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội)”. Trao đổi với Báo SGGP về nhóm giải pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đề ra, đồng chí Vũ Quốc Hùng (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã nhấn mạnh như trên.

PHÓNG VIÊN: Đồng chí cảm nhận như thế nào về việc xử lý kỷ luật một số cán bộ cao cấp của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh?

Đồng chí VŨ QUỐC HÙNG: Theo tôi, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố mức kỷ luật đối với các cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo từ Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và tỉnh Hậu Giang là cần thiết, thời sự và nghiêm minh, được dư luận và cán bộ, đảng viên ủng hộ. Qua đó cho thấy, Đảng ta đang rất quyết tâm đấu tranh phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái tư tưởng chính trị, lối sống trong nội bộ. Cán bộ, đảng viên và nhân dân càng trông chờ Đảng sẽ tiếp tục làm mạnh hơn nữa, các biện pháp rõ ràng, sắc bén hơn nữa để thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong thời gian tới.

Dư luận cho rằng vụ việc Trịnh Xuân Thanh là điển hình của “vấn nạn” chạy chức, chạy quyền mà lâu nay ta hay nhắc đến nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ được. Vậy theo đồng chí, từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh, có thể rút ra bài học cụ thể nào cho việc ngăn chặn hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền?

Không có biện pháp nào hiệu quả hơn nữa ngoài việc thực hiện thật nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trung ương phải làm gương, còn tại các địa phương, các cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền khi đề bạt cán bộ phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quy hoạch, sử dụng cán bộ, phải thật sự dân chủ. Trong đó, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải đi trước và cố gắng tạo ra được những đột phá thiết thực.

Vì sao đồng chí cho rằng phải đột phá vào khâu kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng?

Vì có như thế mới nhanh chóng phát hiện, phân loại mức độ nguy hiểm và xử lý kịp thời, chính xác các vi phạm, để những cán bộ vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước; những cán bộ lãnh đạo, quản lý tiêu cực, tham nhũng… nhanh chóng bị xử lý, bị thay thế; đồng thời có tác dụng răn đe, chấn chỉnh hiệu quả trong nội bộ Đảng. Qua kiểm tra, giám sát còn để phát hiện kịp thời, phân loại đúng mức độ vi phạm, tạo tiền đề cho thực thi nghiêm minh kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (từ ngày 28 đến 30-11-2016) đã xem xét, xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên và tổ chức đảng.

Đã từng giữ nhiệm vụ quan trọng trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm để ủy ban kiểm tra các cấp tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII?

Tôi cho rằng công tác kiểm tra, giám sát phải chủ động hơn nữa và thực sự phải góp phần quan trọng ngăn ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí cũng như các tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên của Đảng. Phải góp phần nhận diện cho được bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và những phần tử cơ hội ngay từ sớm. Đồng thời, phải khắc phục cho được tình trạng buông lỏng nguyên tắc tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình kém; tính chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên giảm.

Hiện nay, sự suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống và quan liêu, tham nhũng ngày càng tinh vi, trầm trọng và mang tính phổ biến. Từ suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch chia rẽ nội bộ Đảng và thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chống phá nước ta. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải góp phần phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động nắm bắt tình hình, thông tin và diễn biến, từ đó có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý, đồng thời, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra phải chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, trong đó có dấu hiệu vi phạm về chính trị hiện thời để có biện pháp ngăn chặn và đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách đảng viên.

Đặc biệt, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Việc xử lý kỷ luật Đảng phải đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục, khắc phục tình trạng xử lý kỷ luật nhẹ trên, nặng dưới.

Có thể nói, chính tính nghiêm minh, công khai, dân chủ, công bằng, đúng nguyên tắc của việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện giải pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng sẽ tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Xin cảm ơn đồng chí!

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục