Phải sớm trả nợ nhân dân

Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn dành cho báo chí những cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình. Phóng viên quan tâm vấn đề nào, thẳng thắn đặt câu hỏi và hầu như Chủ tịch nước không từ chối trả lời điều gì...
Phải sớm trả nợ nhân dân

Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn dành cho báo chí những cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình. Phóng viên quan tâm vấn đề nào, thẳng thắn đặt câu hỏi và hầu như Chủ tịch nước không từ chối trả lời điều gì...

Lòng dân là sức mạnh

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn nhấn mạnh vấn đề đoàn kết toàn dân tộc trước hết là xây dựng lòng tin của nhân dân. Khi tất cả đoàn kết, lòng dân cùng hướng tới một mục tiêu, thì việc gì cũng có thể thành công. Năm 1973, sau khi ông được trao trả từ nhà tù Phú Quốc theo Hiệp định Paris, lần đầu tiên được ra miền Bắc. Khi ấy, cả miền Bắc khó khăn, vất vả lắm, nhưng ông thấy ở đâu cũng vậy, một tinh thần lạc quan, đoàn kết, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì lý tưởng độc lập, thống nhất đất nước, trên dưới một lòng, tạo nên một sức mạnh lớn lao, một niềm tin sắt đá Việt Nam sẽ chiến thắng. “Được chứng kiến và sống trong không khí đó, những người lính miền Nam chúng tôi lần đầu ra Bắc từ ngạc nhiên chuyển sang kính phục. Đường lối đúng đắn, lòng dân tin tưởng như vậy đã tạo nên một sức mạnh vô địch. Tôi tự nhủ: Việt Nam sẽ sớm thống nhất!...” - ông kể lại.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và tặng quà tết cho học sinh giỏi, hoàn cảnh khó khăn
tại Trường THCS và Tiểu học xã Bản Qua, tỉnh Lào Cai

 Lòng dân luôn là sức mạnh vô địch. “Đẩy thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân”. Nhìn lại lịch sử đất nước Việt Nam, triều đại nào, chế độ nào vì dân, được dân tin tưởng thì tồn tại và phát triển, vững vàng trước mọi thách thức, đánh bại mọi kẻ xâm lược. Còn nếu lòng dân không yên, người dân không tin tưởng thì họ sẽ có quyền tìm một niềm tin khác. “Đất nước ta trải qua rất nhiều năm chiến tranh, đồng bào, đồng chí chúng ta hy sinh rất to lớn để giành lấy độc lập, tự do. Chúng ta mong muốn nước nhà, như Bác Hồ dạy, độc lập rồi thì dân ta phải được tự do, ấm no, hạnh phúc. Mục tiêu, lý tưởng này là bất biến, không thay đổi. Đảng, Nhà nước ta phải làm để mỗi người dân phải được hưởng trọn vẹn, đầy đủ những điều đó” - Chủ tịch nước khẳng định.

Mấy năm vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực kiềm chế được lạm phát, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhìn thấy vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, chưa thật sự hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Bên cạnh một số thuận lợi thì đất nước chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế với thế giới. Đảng và Nhà nước sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn này để kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn, đời sống nhân dân phải ngày càng được nâng cao. Và ông mong rằng, đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước cần giữ vững lòng tin vào Đảng, nỗ lực phấn đấu, góp phần thực hiện thành công quá trình công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Món nợ phải trả

Không chỉ trong những cuộc trò chuyện cuối năm cũ, đầu năm mới, mà mỗi lần có dịp được tiếp xúc, khi được hỏi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều cho rằng, vấn đề đấu tranh đẩy lùi tham nhũng là “món nợ” của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, mà bao lâu nay vẫn chưa “trả xong”. Ai cũng thừa nhận, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn là sự quan tâm lớn của cả xã hội chúng ta. Chủ tịch nước cho biết, trong các cuộc làm việc, đón tiếp các đoàn cựu chiến binh, những người có công với nước, các đoàn thể và cả khi tiếp xúc cử tri, ông luôn nhận được sự quan tâm của người dân về vấn đề này. Căn bệnh tham nhũng, lợi ích nhóm đang làm cho sự phát triển, ổn định cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hậu quả của nó không chỉ làm cho gánh nợ quốc gia thêm nặng, tiêu hao nguồn lực đất nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Đảng đã có nghị quyết, luật đã có, chủ trương, chính sách đều đã được ban hành, nhưng vì sao việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thật sự mang lại những kết quả như người dân mong đợi? Phải chăng chúng ta chưa thật sự kiên quyết? Phải chăng một bộ phận trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp vì nhiều lý do khác nhau, chưa thật sự làm gương trong vấn đề hệ trọng này?... Và theo Chủ tịch nước, những người lãnh đạo như ông càng có trách nhiệm lớn trong vấn đề này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  

Trả lời câu hỏi: “Tham nhũng, lãng phí sẽ ảnh hưởng như thế nào tới lòng tin của người dân đối với Đảng và chế độ”. Chủ tịch nước khẳng định: “Chắc chắn là rất ảnh hưởng!”. Theo ông, nhân dân vẫn luôn tin tưởng và kỳ vọng vào Đảng và Nhà nước, kể cả những lúc khó khăn nhất. Điều này khiến những người cầm cân nảy mực quốc gia như ông luôn ray rứt, trăn trở. Chúng ta còn “nợ dân nhiều lắm”. Cuộc đấu tranh này chắc chắn sẽ còn khó khăn, nhưng không phải không làm được. Dù có khó đến mấy đi nữa, khi đã có quyết tâm cao, liên tục bền bỉ, có chủ trương đúng, được nhân dân ủng hộ thì chắc chắn sẽ thành công. “Phải đẩy lùi và ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Đó là món nợ rất lớn đối với nhân dân, phải trả càng sớm càng tốt, không thể phụ lòng tin của nhân dân vốn đã được xây dựng bằng xương máu của nhiều thế hệ” - Chủ tịch nước khẳng định.

Phải để người dân thực sự làm chủ

Một điều dễ nhận thấy, trong lĩnh vực chống tham nhũng, rất nhiều vụ án phát hiện từ nhân dân. Tuy nhiên, vai trò giám sát của người dân chưa được coi trọng đúng mức trên thực tế. Làm sao để có thể huy động người dân vào cuộc để “dọn dẹp” những tiêu cực, tham nhũng? Làm sao để người dân có thể thực hiện vai trò làm chủ của mình đối với đất nước như Hiến pháp đã khẳng định? Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong nhiều trường hợp, vì nhận thấy không có ai bảo vệ, nên người dân sợ sệt, lo lắng. Như vậy cũng có nghĩa là vai trò làm chủ của dân vẫn chưa được bảo đảm.

Cũng theo Chủ tịch nước, hiện tượng “vào Đảng để tiến thân, thăng chức” cũng là một biểu hiện không tốt. Ngày trước vào Đảng khó khăn hơn nhiều, bởi vào Đảng là để cống hiến, hy sinh cho lý tưởng, cho đất nước. Bây giờ cũng có một số người vào Đảng là vì mục đích thăng quan, tiến chức. Họ sẽ làm sai lệch những chủ trương đường lối của Đảng, làm mất lòng tin của dân, không tôn trọng nhân dân thực hiện vai trò làm chủ đất nước. Khắc phục được hiện tượng này thì Đảng mới mạnh, nhân dân sẽ tin yêu Đảng.

TRẦN LƯU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục