Cần xử lý hình sự việc cản trở báo chí tác nghiệp

NGỌC QUANG

Chiều 21-3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Thảo luận sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giải trình tiếp thu, nhiều đại biểu (ĐB) vẫn cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tác nghiệp.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), việc cung cấp thông tin cho báo chí đang thực hiện theo quyết định của Thủ tướng nhưng trên thực tế, việc tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn, như: một số cơ quan nhà nước chậm, né tránh cung cấp, nhất là thông tin xung quanh những vụ vi phạm. Còn người được quyền phát ngôn thậm chí còn yêu cầu giấy tờ trái quy định. Chính vì lẽ đó, điều 38 của luật cần bổ sung các quy định để có sự đồng thuận trong thực hiện. Mặt khác, thực tế cho thấy, việc nhiều trường hợp người trả lời trên báo chí chỉ nắm vấn đề một cách chung chung, trong khi người nắm rõ lại không có quyền trả lời. Vì vậy, việc trả lời sai sẽ ra sao? Do đó, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cần phải bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền trong việc trả lời cơ quan báo chí để tránh vụ việc rơi vào im lặng.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, cần bổ sung vào điều 9 “Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí” nội dung về việc không cung cấp thông tin hoặc cung cấp sai sự thật hay quy định trong thời hạn 15 ngày, cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời cho cơ quan báo chí khi thông tin về khiếu nại, tố cáo của công dân được gửi đến để quy trách nhiệm của cơ quan nhận được đơn thư. Ngoài ra, theo ĐB Huỳnh Văn Tính, để ngăn ngừa tình trạng cản trở tác nghiệp của cơ quan báo chí hiện nay cần phải xem xét trách nhiệm hình sự với cá nhân, tổ chức cản trở tác nghiệp của báo chí vì vừa qua có nhiều hành vi cản trở, hành hung, truy sát nhưng việc xử lý còn chung chung.

Còn theo ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM), hiện nay cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh về truyền thông, tài chính. Do vậy, dự thảo lần này cần đáp ứng yêu cầu thực tiễn này. Nhưng Nhà nước sẽ giúp gì? Cơ quan báo chí chỉ mong Nhà nước có chính sách phù hợp, không bằng bao cấp mà để họ tự chủ làm ra nguồn thu. Chính vì lẽ đó, điều 21 về “Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí” cần có quy định mở về truyền thông, thị trường cho cơ quan báo chí”, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang nói.


NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục