Sửa đổi quy định kê khai tài sản

Tham nhũng là một trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất
Sửa đổi quy định kê khai tài sản
  • Bổ sung quy định về bảo vệ nhân chứng
  • Tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũngCTN vào đầu tháng 7

(SGGPO).- Sửa đổi căn bản các quy định về kê khai tài sản là một trong những kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) qua một số lĩnh vực” được Viện Chính sách công và pháp luật phối hợp với tổ chức Hướng tới minh bạch được tổ chức sáng nay 28-6, tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi hội thảo

Theo TS Nguyễn Quốc Văn (Viện Chính sách công và pháp luật), cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn hiện rất yếu; việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện một cách tràn lan, hình thức theo kiểu “trống giong cờ mở” mà không có sự lựa chọn; pháp luật chưa xử lý được tình huống tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc. “Có đến 87,3% người dân được hỏi đề nghị sửa đổi căn bản các quy định về kê khai tài sản, thu nhập theo hướng thà ít mà tốt, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản”, TS Văn nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, viện dẫn kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn Monaco khảo sát kết quả 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, ông Văn cho biết, hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ là phổ biến, nhất là tại cấp cơ sở. Qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của 13.204 cơ quan, tổ chức tại 5 Bộ, ngành và 31 tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện và xử lý 2.510 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Tham nhũng vặt diễn ra tràn lan, phổ biến, trong mọi hoàn cảnh. Theo đó, các hành vi đưa và nhận hối lộ hầu như không loại trừ đối với người dân nào.

Trước tình hình đó, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã thể hiện một bước tiến quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực của Công ước UNCAC về khái niệm tham nhũng ở ba tiêu chí. Thứ nhất, mở rộng khái niệm tham nhũng sang lĩnh vực tư; Thứ hai, mở rộng chủ thể của tội nhận hối lộ bao gồm cả công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công; Thứ ba, mở rộng khái niệm của hối lộ bao gồm cả các giá trị phi vật chất.

Sự thay đối của BLHS năm 2015 đã dẫn đến yêu cầu hoàn thiện Luật PCTN hiện hành theo hướng tiếp cận gần hơn với khái niệm tham nhũng của Công ước. Dưới góc độ pháp luật tố tụng hình sự, cần bổ sung cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo; cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; mở rộng hình thức thu hồi tài sản tham nhũng; bổ sung quy định về bảo vệ nhân chứng hoặc người tố giác tội phạm; quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện giám định tư pháp, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận và sử dụng kết quả giám định…

Dự kiến Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thi hành Luật PCTN sẽ được Chính phủ tổ chức vào đầu tháng 7 tới. Kết quả Hội nghị này là cơ sở thực tiễn quan trọng để xây dựng dự án Luật PCTN sửa đổi. Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XIV, tại phiên họp cuối năm 2016, Quốc hội sẽ xem xét lần 1 dự án Luật PCTN sửa đổi, và tại phiên họp cuối năm 2017, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật này.

Tham nhũng là một trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất

Qua khảo sát 1.098 người thuộc 3 nhóm đối tượng (cán bộ công chức, cán bộ doanh nghiệp, người dân) trên cả nước cho thấy: tham nhũng càng ngày càng được nhiều người đánh giá là “phổ biến” và “rất phổ biến”; tỷ lệ người dân trả chi phí ngoài quy định và các nhóm xã hội quan tâm đến tham nhũng là không đổi trong 10 năm gần đây; tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp; các nhóm đối tượng được khảo sát đều bình chọn tham nhũng là 1 trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, trong đó, cán bộ công chức xếp tham nhũng là vấn đề số 1 trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường.

Đa số những người được hỏi đều đánh giá tham nhũng không giảm trong 10 năm qua, việc thi hành biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn hạn chế, nhất là các biện pháp tác động đến cá nhân. Hiệu quả thực hiện cơ chế phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa cao. Tỷ lệ tài sản tham nhũng được thu hồi rất thấp. Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PCTN; cần thay đổi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị chuyên trách PCTN.

(Nguồn: Khảo sát của Công ty tư vấn Monaco, công bố tại Hội thảo Báo cáo khảo sát 10 năm thi hành Luật PCTN)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục