Tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tập trung giải quyết cho được vấn đề an toàn thực phẩm

Trong số các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ngày 28-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (ảnh) là một gương mặt mới. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí, tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ưu tiên đầu tiên của ông là giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.
Tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tập trung giải quyết cho được vấn đề an toàn thực phẩm

Trong số các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ngày 28-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (ảnh) là một gương mặt mới. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí, tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ưu tiên đầu tiên của ông là giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.

- Phóng viên: Xin chúc mừng Bộ trưởng đã được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn bổ nhiệm. Theo quan điểm của Bộ trưởng, ngành nông nghiệp nước ta hiện đang đối mặt với những thách thức gì?

>> Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Nông nghiệp nước ta hiện có 3 thách thức rất lớn. Thứ nhất, nền nông nghiệp về tổng thể vẫn dựa trên các hộ nhỏ lẻ về quy mô. Chúng ta có 12 triệu hộ nông dân canh tác trên diện tích đất bình quân rất thấp, chỉ khoảng 0,3ha/hộ. Đây là một trong những rào cản lớn để chúng ta hình thành một nền nông nghiệp tập trung hiệu quả, bền vững.

Thứ hai, biến đổi khí hậu ở nước ta đang diễn ra nhanh hơn cả kịch bản dự báo, trong khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất bởi hiện tượng này. Diễn biến 6 tháng đầu năm 2016 đã biểu hiện rất rõ điều này, hầu như toàn bộ các vùng lãnh thổ Việt Nam chịu biến đổi khí hậu trong đó đặc biệt là ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, cũng như miền núi phía Bắc. Thách thức này không chỉ làm toàn bộ cơ cấu sản xuất mà còn làm đảo lộn đời sống của người dân đặc biệt là bà con ở vùng sâu vùng xa.

Thứ ba, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong đó có nông nghiệp rất sâu rộng. Hiện sản phẩm nông nghiệp của nước ta đã được xuất khẩu đi 180 nước. Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường sẽ có cả thách thức. Nông nghiệp nước ta kể cả về chất lượng trong chuỗi giá trị đến an toàn đều là thách thức rất lớn.

- Trước những thách thức đó, Bộ trưởng sẽ dành ưu tiên cho vấn đề gì trong chương trình hành động của mình?

Tôi nghĩ vấn đề đầu tiên đó là an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề nóng hổi, bức xúc của người dân, toàn bộ xã hội. Bằng tất cả các biện pháp tổng hợp, chúng ta cần phải tập trung vào giải quyết cho được. Thứ hai là cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục 3 thách thức mà tôi vừa trình bày, một là hộ nhỏ lẻ manh mún, hai là biến đổi khí hậu, ba là vấn đề hội nhập. Bên cạnh đó là chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua chúng ta đã có được một kết quả rất tốt, 22% số xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhưng tôi cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu vì trong 22% đạt bộ 19 tiêu chí thì vẫn còn có những tiêu chí rất bản chất như thúc đẩy sản xuất, vấn đề môi trường, an sinh... Đồng thời, khu vực còn lại là 78% số xã thì phần này lại là những xã hết sức khó khăn, đa phần là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Chúng ta cần phải tập trung vào đó để làm sao nông nghiệp, nông dân ta phát triển, để cho vùng sâu, vùng xa ngày càng không có khoảng loãng so với đồng bằng.

- Thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là yêu cầu Chính phủ mới cần hành động quyết liệt. Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về việc thực hiện thông điệp đó trong lĩnh vực nông nghiệp?

Thông điệp của Thủ tướng rất rõ ràng. Chính phủ hành động quyết liệt. Do đó, bản thân Bộ NN-PTNT đang quản lý một khu vực hiện nay vừa chiếm diện tích rất rộng, 70% về diện tích, gần 70% dân số, 46% lao động, nhưng thu nhập ở khu vực này của bà con nông dân lại đang ở mức thấp và còn nhiều vấn đề nan giải cần giải quyết. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp càng phải có chương trình hành động quyết liệt hơn. Tôi nghĩ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước vì khu vực này chiếm đến 70% dân số. Chúng ta làm tốt thì có nghĩa là các mục tiêu cơ bản của chúng ta đã đạt được. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT trên cơ sở những kết quả đạt được giai đoạn 3 thì phải tập trung các nhóm giải pháp để hành động quyết liệt nhằm đảm bảo các mục tiêu chung của ngành nông nghiệp và mục tiêu của Chính phủ, của Đảng đặt ra.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

* Tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG:

"Các giải pháp trước mắt sẽ là tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành nông nghiệp theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Chính phủ trong tuyên truyền, vận động và giám sát an toàn thực phẩm. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản"

HÀM YÊN ghi

Tin cùng chuyên mục