Tổ pháp luật cộng đồng

Chặng đường thực hiện đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (giai đoạn 2014-2016) do UBND TPHCM phê duyệt, giao Hội Luật gia TP giữ vai trò nòng cốt, đến nay đã ghi đậm nhiều dấu ấn tích cực. Đề án đáp ứng nguyện vọng của người dân vì có nhiều mô hình tuyên truyền, trợ giúp pháp lý mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với đặc thù ở mỗi nơi. Tổ pháp luật cộng đồng do chi hội luật gia tại phường, xã xây dựng là một điển hình.
Tổ pháp luật cộng đồng

Chặng đường thực hiện đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (giai đoạn 2014-2016) do UBND TPHCM phê duyệt, giao Hội Luật gia TP giữ vai trò nòng cốt, đến nay đã ghi đậm nhiều dấu ấn tích cực. Đề án đáp ứng nguyện vọng của người dân vì có nhiều mô hình tuyên truyền, trợ giúp pháp lý mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với đặc thù ở mỗi nơi. Tổ pháp luật cộng đồng do chi hội luật gia tại phường, xã xây dựng là một điển hình.

Người dân quận Bình Thạnh tham gia ngày hội pháp luật do cơ quan chức năng tổ chức dưới sự giúp sức của tổ pháp luật cộng đồng

Giúp dân gỡ rối

“Tôi đến nghe tư vấn thủ tục ly hôn. Gần đây, vợ tôi đột nhiên mắc bệnh tim nên tôi không muốn chung sống với bà ấy nữa. Tôi đã quá mệt mỏi vì phải chịu nhiều áp lực. Tôi muốn được giải thoát”, ông H. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nêu ý định khi tìm đến tổ pháp luật cộng đồng (đặt trụ sở tại Hội Luật gia quận Bình Thạnh).

Trước thái độ lạnh lùng của ông H., bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội Luật gia quận Bình Thạnh, đồng thời là thành viên tổ pháp luật cộng đồng, phân giải: “Trước giờ chị một lòng lo cho gia đình. Bây giờ chị ngã bệnh, anh lại bỏ rơi. Chắc chắn tòa án không chấp nhận lý do đó đâu. Mong anh vì tình nghĩa gần 20 năm, vì các con mà cân nhắc lại”. Thấy ông H. lưỡng lự, bà Thủy kiên trì can ngăn, phân tích. Nhiều lần bà Thủy xuống tận nhà gặp gỡ, giải thích và động viên nên cuối cùng, ông H. đồng ý bỏ ý định ly hôn và hứa làm tròn trách nhiệm với gia đình. Bà Thủy thở phào nhẹ nhõm. Vậy là tổ pháp luật cộng đồng ngăn chặn thành công nguy cơ đổ vỡ của một gia đình. Bà Thủy kể thêm, mới đây, thành viên trong tổ đến tận nhà hỗ trợ một cụ ông nằm liệt giường lập bản di chúc. Trong 6 tháng đầu năm, 20 tổ hoạt động tại các phường trên địa bàn quận đã góp công hòa giải thành 90 vụ việc. Ngoài tư vấn, trợ giúp pháp lý tại địa điểm cố định, 77 tư vấn viên sẵn sàng tiếp chuyện điện thoại hay trực tiếp đến mọi địa điểm theo nhu cầu người dân đặt ra.

Tương tự, dù mới thành lập từ đầu năm 2016 nhưng 2 tổ pháp luật cộng đồng do Hội Luật gia quận 4 (TPHCM) quản lý không ít lần gỡ rối cho dân và chính quyền sở tại. Là thành viên tham gia hòa giải nhiều “ca khó”, luật sư Ngô Văn Quốc nhớ mãi vụ tranh giành tài sản thừa kế giữa 6 anh, chị, em ruột. Vì tiền, gia đình này chia năm xẻ bảy, thường xuyên gây mất trật tự, khiến địa phương đau đầu. Hai người trong số đó tìm đến tổ pháp luật cộng đồng. Xem xong hồ sơ, ông Quốc thuyết phục gia đình nên giải quyết ôn hòa vì thời hạn khởi kiện đã hết. Tổ pháp luật cộng đồng đứng ra dàn xếp hai lần thì ổn thỏa. Không chỉ vậy, tổ còn “thầu” nhiều trường hợp oái oăm hơn, như thương lượng kéo dài thời gian trả nợ khi người vay tiền cầu cứu. Đến nay, tổ hỗ trợ địa phương hòa giải thành 18 vụ việc. Chuyện hòa giải tưởng chừng vụn vặn nhưng góp phần hữu hiệu hạn chế tình trạng kiện tụng, tranh chấp gây mất trật tự trị an.

Đưa luật vào từng con hẻm

Từ đầu năm đến nay, các tổ pháp luật cộng đồng trên địa bàn quận 6 cùng ban ngành chức năng tổ chức 116 cuộc tuyên truyền, thu hút gần 13.500 lượt người tham dự. Nhờ vậy, 34 văn bản pháp luật mới đã được đưa đến từng con hẻm, ngõ ngách trong nhiều khu dân cư. Các tổ hỗ trợ chính quyền tổ chức 18 hội thi tìm hiểu pháp luật với hơn 1.000 thí sinh dự thi. Bà con hoan nghênh, sôi nổi hưởng ứng vì nội dung tuyên truyền sống động, gắn liền diễn biến thời sự, tình huống pháp lý trong cuộc sống. Đến nay đã có 375 trường hợp vướng mắc về pháp luật được các tổ tư vấn, trợ giúp miễn phí. Sôi nổi không kém là quận Bình Tân, 10 tổ pháp luật cộng đồng tích cực phối hợp với ban ngành, đoàn thể tại địa phương tiến hành nhiều đợt phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý theo định kỳ, lưu động. Ngoài trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, các tổ pháp luật cộng đồng còn chủ động đến văn phòng tiếp công dân hay trụ sở ban điều hành khu phố chờ người dân. Nhiều thành viên không ngần ngại tư vấn miễn phí tại nhà, nhà thờ, phòng khám bệnh tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, đánh giá: “Kết quả thu về cho thấy người dân là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ tổ pháp luật cộng đồng. Mô hình này giúp người dân hiểu cặn kẽ pháp luật; nâng cao ý thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; tinh thần thượng tôn pháp luật nâng cao”. Ông Hậu cho biết, hiện khó khăn nhiều tổ pháp luật cộng đồng đối mặt là cơ chế và kinh phí hỗ trợ. Đa số thành viên trong tổ là luật gia, luật sư, đại diện tổ chức đoàn thể… tham gia vì tâm huyết, lòng yêu nghề.

Thực tế đòi hỏi tổ pháp luật cộng đồng mở rộng hơn nữa phạm vi, quy mô hoạt động. Vì thế, trong khuôn khổ đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia TPHCM vừa thí điểm mô hình trung tâm pháp luật cộng đồng tại 5 đơn vị (các quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh và Hội Luật gia TP). Cụ thể, mỗi đơn vị thành lập một trung tâm pháp luật cộng đồng dựa trên nền tảng kế thừa tổ pháp luật cộng đồng. Bên cạnh đó, các trung tâm quan tâm nhiều hơn đến người khuyết tật, trẻ cơ nhỡ…

KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục