Tổ công tác của Thủ tướng: Bộ Kế hoạch – Đầu tư còn nhiều việc trễ hạn

Sáng 25-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).
Tổ công tác của Thủ tướng: Bộ Kế hoạch – Đầu tư còn nhiều việc trễ hạn

(SGGPO).- Sáng 25-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).

Quang cảnh buổi làm việc

Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm VPCP đã thẳng thắn nhắc nhở một số nhiệm vụ mà Bộ KH-ĐT chưa hoàn thành, như việc giao kế hoạch vốn 2016, phần giao chi tiết chậm hoặc nhiều nhiệm vụ dù được hoàn thành nhưng quá hạn được giao nhiều. Cụ thể, theo VPCP, trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2016 đến ngày 22-8-2016, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ KH-ĐT là 241 nhiệm vụ. Trong đó, có 74 nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng 58 nhiệm vụ trong số đó hoàn thành quá hạn. Còn 167 nhiệm vụ chưa thực hiện, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.

Chánh Văn phòng Bộ KH-ĐT Tống Quốc Đạt cho biết, Bộ này đã tiếp nhận và xử lý khối lượng rất lớn các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Số văn bản tiếp nhận lên tới trên 36.000. Trong đó có trên 9.000 văn bản xử lý đã được phát hành.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc nhở việc gì chậm do chính sách, quy định thì phải báo cáo lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ xin lùi thời hạn. “Những trường hợp chậm trễ do có động cơ cá nhân, tôi hứa sẽ xử lý đến nơi đến chốn”, ông cam kết. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng trung bình mỗi tuần lãnh đạo Bộ có khoảng 40 cuộc họp, tối thiểu 30 cuộc. Chỉ riêng phân công họp cho lãnh đạo Bộ cũng rất mệt mỏi và nếu có đồng chí nào đi công tác đột xuất là đảo lộn tất cả.

Truyền đạt ý kiến đánh giá của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận định, trong những năm qua, Bộ KH-ĐT đã nỗ lực đổi mới, như tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 1792 hay việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn là cuộc đấu tranh tư tưởng để thay đổi cả một hệ thống, cách làm, thay đổi cơ chế xin - cho để “tạo chủ động cho các bộ ngành địa phương, giảm bớt phiền hà, co kéo không cần thiết”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cần rà soát lại một số lĩnh vực cần quan tâm, quyết liệt hơn nữa; thực sự có sự chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng, quyết liệt phân cấp thay vì cơ chế xin - cho. Với 15 nhiệm vụ quá hạn, thì các đơn vị thuộc Bộ KH-ĐT phải làm rõ nguyên nhân ở đâu, do khách quan hay chủ quan. Ngược lại, những việc gì VPCP làm chậm, chưa tốt cũng phải sòng phẳng đặt ra và chịu trách nhiệm.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục