Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị giải quyết 7 vấn đề

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tiếp tục có những kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị giải quyết 7 vấn đề

(SGGP).- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tiếp tục có những kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng chính quyền các địa phương giải quyết 7 vấn đề.

Thứ nhất, đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như rà soát việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, loại trừ bán phá giá, gian lận thương mại, khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài; khuyến khích phát triển thị trường trong nước.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nhân sự, tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp luật để thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đề nghị có cơ chế cụ thể để nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam các cấp giám sát đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, trước hết là đối với những người đứng đầu cơ quan nhà nước ở cơ sở.

Thứ ba, trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, đề nghị Đảng, Nhà nước sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, chính quyền các địa phương tập trung nghiên cứu, đưa ra các biện pháp căn bản, lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, chú trọng việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là đối với ngành nông nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý đối với người đứng đầu các cơ quan chức năng, các địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát, chặt phá rừng không phép, trái pháp luật trong thời gian qua.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ TT-TT, Bộ Y tế, Bộ Công thương, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cả xã hội, trước hết là của người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn. Xử lý thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát có trọng tâm, trọng điểm đối với những vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân đã kiến nghị với sự tham gia của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận, của người dân và các cơ quan truyền thông. Có biện pháp xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân né tránh hoặc không thực hiện nghiêm túc những kiến nghị xác đáng của cử tri và nhân dân.

Ùn tắc giao thông tại Ô Chợ Dừa - Xã Đàn- Hà Nội. Ảnh: T.L

Thứ bảy, đề nghị chính quyền TP Hà Nội và TPHCM khẩn trương rà soát lại tất cả các quy hoạch có liên quan tới giao thông và chống ngập úng; dự báo tình hình ùn tắc giao thông và ngập úng từ nay tới 2021 - 2025, làm rõ các phương án giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ngập úng, nhu cầu đầu tư từ nay đến năm 2021 để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết để chia sẻ và góp sáng kiến cùng chính quyền, đồng thời giám sát việc thực hiện.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục