Kịp thời nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội

Sáng nay 24-2, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Thông tri 70-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội.
Kịp thời nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội

(SGGPO).- Sáng nay 24-2, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Thông tri 70-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội.

Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Đỗ Thị Thanh Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Toàn cảnh hội nghị

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tô Đại Phong, qua 20 năm triển khai thực hiện Thông tri số 70 của Ban Thường vụ Thành ủy, công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động đề ra kế hoạch, giải pháp nhằm từng bước cải tiến nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội và tổ chức các cuộc thăm dò, điều tra phân tích tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tư tưởng của đảng bộ sát thực tiễn. Cộng tác viên dư luận xã hội các cấp được xây dựng chính quy có hệ thống, thường xuyên củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nghiệp vụ...

Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy có kế hoạch tổ chức điều tra dư luận xã hội hàng năm (trung bình từ 10 đến 12 cuộc điều tra thăm dò dư luận xã hội); công tác điều tra bằng phiếu ngày càng được cải tiến, nâng cao chất lượng, các câu hỏi đưa ra ngày càng khoa học hơn, việc xử lý thông tin với các phần mềm chuyên dụng ngày càng phát huy hiệu quả.

Nếu trước đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện 2-3 cuộc khảo sát/1 năm thì nay trung bình thực hiện từ 9-10 cuộc khảo sát, với mỗi cuộc là 3.000 phiếu được phát ra. Nội dung khảo sát gắn với những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, như: Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021; Về hiệu quả thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong Đảng bộ TP và phản bác các quan điểm sai trái...

Theo đồng chí Tô Đại Phong, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác nắm bắt dư luận xã hội của TP cũng còn nhiều hạn chế. Một trong số đó là hoạt động của các tổ nghiên cứu dư luận xã hội cấp địa phương, cơ sở nhiều nơi còn mang nặng tính hành chính, còn chậm trong việc nắm bắt những vấn đề quan trọng, những diễn biến mới; thiếu phương pháp khoa học nên nắm thông tin dễ đi vào một chiều, rập khuôn, thiếu toàn diện, chủ quan. Việc xử lý, giải thích, định hướng đối với thông tin dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời, thường xuyên nên phần nào làm hạn chế hiệu quả của công tác nghiên cứu dư luận xã hội. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng việc phản hồi đối với thông tin dư luận xã hội khiến người dân có suy nghĩ "nói cũng vậy, không nói cũng vậy", dẫn đến thiếu tin tưởng đối với kênh phản ánh thông tin dư luận xã hội. Từ đó họ chuyển hình thức phản ánh, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ lên các trang mạng xã hội, càng làm cho việc nắm bắt khó khăn, phức tạp hơn.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng muốn làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt dư luận xã hội thì phải dựa vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nơi nào cấp ủy, chính quyền có sự quan tâm thỏa đáng, nhất là giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề mà dư luận xã hội đạt được hiệu quả cao và góp phần tích cực, thiết thực cho công tác lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của nhà nước, tạo được niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Phải kịp thời nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội.

Nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội phải thực hiện tốt phương châm dựa vào nhân dân, phải gắn chặt với công tác dân vận của Đảng, vận dụng linh hoạt các hình thức tiếp cận với quần chúng để khai thác tối đa những thông tin thuộc lĩnh vực tâm lý, tư tưởng; duy trì và thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tiếp dân ở cơ sở và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo quận, huyện ủy, phường, xã, thị trấn với người dân ở địa bàn dân cư nhằm kịp thời thông tin với nhân dân những chủ trương quan trọng, các chương trình, dự án có liên quan và tạo điều kiện cho người dân phát huy dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến về những việc có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, giải quyết tốt bức xúc của nhân dân.

"Đặc biệt không được đem ý kiến chủ quan của mình để áp đặt lên dư luận xã hội", Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11 Nguyễn Trần Bình nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư cho rằng thời gian qua các đơn vị đã làm tốt việc tạo ra dư luận tích cực để định hướng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đánh giá cao những kết quả công tác nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn TP thời gian qua. Kết quả này góp phần cho sự thành công trong công tác lãnh đạo chung của Thành ủy; góp phần ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư tặng bằng khen cho các đơn vị

Đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh, cán bộ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội phải hết sức tỉnh táo để dự báo tốt và tham mưu sát, đúng, trúng vấn đề cho lãnh đạo, từ đó phục vụ thiết thực công tác lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền địa phương, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Để làm tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội của TP trong thời gian tới, đồng chí Thân Thị Thư yêu cầu cấp ủy các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy phải tăng cường lãnh đạo về công tác nắm bắt dư luận xã hội; đồng thời hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đảng trong hệ thống chính trị nâng cao nhận thức về vai trò công tác này để phản ánh, nắm bắt sát thực nhất những vấn đề liên quan đến người dân, tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân. Khi triển các dự án về kinh tế - xã hội, cần nắm bắt dư luận trước, trong và sau khi triển khai một cách khoa học.

Trong công tác nắm bắt dư luận xã hội phải có đầu tư, biện pháp để định hướng phản bác lại các dư luận tiêu cực, tạo dư luận tích cực, tham gia đấu tranh chống thông tin sai lệch, quan điểm sai trái; thí điểm các câu lạc bộ, diễn đàn về nắm bắt dư luận xã hội với các đối tượng đặc thù. Trong công tác điều tra phải nghe nhiều ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều...

Tính đến nay, tại các quận, huyện của TPHCM có hơn 1.500 tổ dư luận xã hội với hơn 8.000 thành viên; các tổ chức chính trị - xã hội có gần 3.000 tổ với gần 10.000 thành viên ở khắp các địa bàn, khu phố, đơn vị, tổ chức.


Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục