Mở rộng phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ

(SGGPO).- Tờ trình của Chính phủ về xây dựng, ban hành Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy được trình bày tại phiên họp của UBTVQH chiều 21-3 đề nghị UBTVQH xem xét, cho phép Chính phủ ban hành Nghị định nêu trên để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành Luật về cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Vẫn theo Tờ trình, dự thảo Nghị định đã mở rộng phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy không chỉ trên phạm vi đất liền mà còn bao gồm cả thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ trên vùng nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trừ những tình huống thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thực hiện). Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện nay là đang giao cho nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành khác nhau thực hiện mà chưa quy định cho lực lượng chuyên trách nào đảm nhiệm; các lực lượng này không được đào tạo chuyên sâu, chính quy về công tác cứu nạn, cứu hộ, do đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ còn chậm trễ, lúng túng và không có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất nên hiệu quả không cao.

Về nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ, dự thảo Nghị định đã quy định một số nội dung mới về nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ nhằm bảo đảm yêu cầu cao nhất trong việc cứu người và tài sản, đáng lưu ý là việc huy động hợp lý lực lượng, phương tiện cần thiết tham gia cứu nạn, cứu hộ; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ; nghiêm cấm lợi dụng việc cứu nạn, cứu hộ để gây sách nhiễu, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Nghị định cũng đã quy định về hoàn trả và bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để cứu nạn, cứu hộ.

Bày tỏ ủng hộ sự cần thiết ban hành Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lo lắng vì trong thời gian qua, tình hình cháy nổ, tai nạn vẫn diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Ông đề nghị có sự đánh giá, làm rõ thêm nguyên nhân để có giải pháp tổng thể, hiệu quả.

Nhiều vụ cháy nổ vẫn diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát, phân công, phân cấp cho các lực lượng phối hợp, tránh trùng lắp nhiệm vụ với các lực lượng khác; đồng thời giải thích các tình huống để không gây hiểu lầm, tranh cãi... “Đọc dự thảo Nghị định, tôi rất phân vân với nội dung về làm dịch vụ cứu hộ cứu nạn. Khi nào là tai nạn thông thường, khi nào là tình huống khẩn cấp? Không lẽ khi nước ngập, lửa cháy mà lại nói phải chờ ký hợp đồng mới cứu thì không ổn. Chỗ này phải làm rõ”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Cũng đồng tình cao với việc ban hành Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng góp ý: “Nghị định nên có thêm nội dung về áp dụng khoa học công nghệ vào công tác cứu hộ, cứu nạn để hạn chế tối đa thương vong cho anh em làm công tác nguy hiểm này”. 

 Theo số liệu thống kê của các Bộ, ngành, từ năm 2001 đến hết năm 2015, trên cả nước đã xảy ra hơn 444.300 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết gần 177.600 người, bị thương 343.340 người. Trong đó, có gần 3.300 vụ cháy, 334.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 168.539 người, bị thương 317.946 người; 77.822 vụ tai nạn lao động, làm chết 7.838 người và 22.187 người bị thương nặng.

(Trích Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy)

 ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục