Chỗ ở cho người dân khi di dời nhà trên kênh rạch

Dự kiến trong giai đoạn 2018-2020, TPHCM sẽ triển khai gần 530 dự án chỉnh trang và phát triển đô thị. Theo đó sẽ có gần 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, trong đó có khoảng 32.700 hộ có nhu cầu tái định cư.

Quận 8 là nơi tập trung nhiều nhất nhà ở ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Huy Anh
Quận 8 là nơi tập trung nhiều nhất nhà ở ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Huy Anh

10.000 căn hộ cho hộ dân không đủ điều kiện

Thống kê từ Sở Xây dựng TPHCM, hiện trên địa bàn TP có khoảng 57 tuyến kênh rạch cần thực hiện công tác cải tạo môi trường. Theo đó, các dự án cải tạo, di dời khoảng gần 22.000 căn nhà trên và ven kênh rạch - là một phần của chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn 2016-2020. Gần 22.000 căn nhà này tập trung ở các tuyến kênh rạch như Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, công viên bờ kênh Tẻ, rạch Hàng Bàng, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Sơn, rạch Bùi Hữu Nghĩa, ao Sông Tân, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu, rạch Nhảy - Ruột Ngựa, rạch Ông Búp, kênh Liên Xã, kênh Thanh Đa, bờ Nam và bờ Bắc kênh Đôi.

Theo kế hoạch phát triển nhà tái định trên địa bàn TP trong 3 năm tới, TPHCM sẽ triển khai 526 dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, lúc đó sẽ có gần 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, trong đó khoảng 32.700 hộ có nhu cầu tái định cư. Khu vực có số hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất là quận 8, do tập trung nhiều nhà ở ven kênh rạch nhất trên địa bàn TP với khoảng 15.000 trường hợp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các khu vực có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng phải di dời bởi các dự án chỉnh trang đô thị như quận 2 có gần 1.600 hộ, quận 4 gần 2.500 hộ, quận 6 gần 1.700 hộ, quận 7 gần 1.900 hộ… Những hộ dân này đang phải sống trong những điều kiện khó khăn như ngập nước, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo chất lượng cuộc sống và làm ảnh hưởng lớn đến bộ mặt mỹ quan của TP.

Để thực hiện được kế hoạch này, trước mắt, Sở Xây dựng sẽ đầu tư xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội để đáp ứng cho các hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 1/2 số quỹ nhà ở xã hội này sẽ dành cho các hộ dân được bồi thường, nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại hoặc không còn nơi ở nào khác.

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, chủ trương mới đối với các hộ dân bị giải tỏa trên và ven kênh rạch ở TPHCM là những người không đủ tiền mua nhà ở thương mại hoặc không đủ điều kiện bồi thường và không còn nơi ở nào khác thì Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng nhà ở xã hội. Theo đó, khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội được dành để tái định cư các đối tượng này theo hình thức ưu tiên thuê, thuê mua hoặc mua các căn hộ này. Ngoài nguồn nhà ở xã hội, một nguồn nhà ở khác để đáp ứng tái định cư cho các hộ dân di dời là những căn hộ tái định cư đã xây dựng cho nhiều dự án trước đây nhưng chưa sử dụng hết. Cụ thể như mới đây, theo đề xuất của Sở Xây dựng, UBND TPHCM đã chấp thuận dành 100/252 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở số 35 đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) để bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc chương trình chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch ở địa bàn quận 8. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư cũng đang thực hiện xây các căn hộ nhà ở thương mại vừa túi tiền với số lượng khoảng 13.000 căn.

Năm 2020, giải quyết được khoảng 50%

 Mặc dù TPHCM đã có kế hoạch chuẩn bị quỹ nhà tái định cư nhằm di dời gần 22.000 hộ dân trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP từ nhiều nguồn, tuy nhiên, nhìn vào các con số trên cho thấy lượng nhà đáp ứng nhu cầu các hộ bị ảnh hưởng vẫn còn thiếu rất nhiều. Nhất là khi UBND TP có chủ trương sẽ bố trí chỗ ở cho tất cả hộ dân bị di dời. Tùy pháp lý từng trường hợp, bà con có thể được bố trí tạm cư, mua trả góp, thuê, thuê mua... Chính vì thế, áp lực về nguồn vốn đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời hàng chục ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh rạch cũng không phải nhỏ. Thống kê cho thấy, số tiền cần để bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư cải tạo và di dời nhà ven kênh cũng lên đến 50.000 tỷ đồng.

Để chỉnh trang đô thị, TPHCM không sử dụng nguồn vốn vay của quốc tế và ngân sách thành phố như trước đây mà huy động các nguồn lực xã hội đầu tư theo cơ chế đặc biệt, đặc thù để tổ chức lại cuộc sống cho người dân. Vì vậy, TP đang mời gọi các nhà đầu tư tham gia với nhiều hình thức. Và mới đây, TP cũng đã kêu gọi tư nhân tham gia các dự án cải tạo, di dời nhà ở ven kênh rạch. Nhằm giảm sức ép lên ngân sách, TPHCM dự kiến thực hiện nhiều hình thức đầu tư đa dạng như đầu tư theo đối tác công - tư (PPP), thanh toán bằng quyền kinh doanh khai thác khu vực liền kề dự án, đầu tư theo hình thức tái cơ cấu quyền sử dụng đất trên cơ sở Nhà nước và người dân cùng thực hiện.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng cho biết sẽ cố gắng sử dụng các quỹ đất khác để đấu giá lấy kinh phí, hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) nếu phù hợp, cố gắng đến năm 2020, giải quyết cơ bản khoảng 50% nhà trên và ven kênh rạch.

Tin cùng chuyên mục