Chợ truyền thống trước nguy cơ cháy

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ truyền thống gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Nhìn lại các chợ, nhất là chợ truyền thống tại TPHCM, mới thấy nhiều nơi đầy nguy cơ tiềm ẩn, trở thành con mồi của “bà hỏa”. 
Một cổng phụ tại chợ Bình Tây bị vô hiệu hóa bởi bãi giữ xe tự phát
Một cổng phụ tại chợ Bình Tây bị vô hiệu hóa bởi bãi giữ xe tự phát

Nguy hiểm rình rập

TPHCM hiện có mật độ chợ và trung tâm thương mại nhiều nhất cả nước, đó là chưa kể các chợ truyền thống với lượng lớn người dân đến tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa mỗi ngày. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo lắng hiện nay luôn đe dọa mất an toàn PCCC là quầy sạp nhỏ, hàng hóa lại chất trữ quá nhiều, trang thiết bị PCCC tại chỗ thiếu, thậm chí không còn sử dụng được.

Điều đáng báo động trước thực trạng nguy hiểm tại các chợ là các lối thoát hiểm vừa thiếu lại vừa bị che chắn hoặc bị tận dụng vào việc buôn bán. Không những vậy, bà con tiểu thương ở nhiều chợ thường dùng loại cửa tôn cuốn che kín toàn bộ quầy sạp vào ban đêm khi nghỉ buôn bán. Thực trạng này rất nguy hiểm vì nếu xảy ra cháy bên trong quầy sạp nào đó, việc phát hiện kịp thời lúc mới xảy ra cháy là rất khó cho ban quản lý cũng như bảo vệ chợ. Đến khi đám cháy bùng phát lớn, thì các quầy sạp được che kín bằng cửa tôn cuốn này cũng là những lá chắn đối với các vòi nước chữa cháy.

Trò chuyện với chúng tôi về mối nguy hiểm PCCC rình rập, ông Trần Văn Tứ, Trưởng ban quản lý Thương xá Đồng Khánh (thường gọi chợ vải Soái Kình Lâm, quận 5, TPHCM), nhìn nhận đây là ngôi chợ truyền thống được hình thành trước năm 1975, chuyên kinh doanh mặt hàng vải, loại vật liệu rất dễ cháy, đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, mặt bằng các quầy sạp chật hẹp. Bên cạnh đó, cơ sở còn tiếp giáp, chen lẫn với khu dân cư và trường học nên công tác PCCC rất phức tạp.

Thông qua những đợt kiểm tra an toàn PCCC đối với các chợ truyền thống trên địa bàn, lực lượng PCCC (Công an TPHCM) cũng thường xuyên phát hiện nhiều vi phạm phổ biến về phòng chống cháy nổ tại loại hình cơ sở này. Trong đó có thể kể đến như: kiến thức về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) của người đứng đầu vẫn còn hạn chế; hệ thống, phương tiện PCCC tại chỗ không đầy đủ về số lượng và chất lượng không đảm bảo về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại một số cơ sở chưa đạt hiệu quả cao, còn mang nặng tính đối phó cơ quan chức năng, chưa đi vào chiều sâu. Hoạt động tuyên truyền pháp luật, kiến thức PCCC tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động đầy đủ tiểu thương tham gia. Việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm lối đi chung, làm giảm khoảng cách an toàn và gây khó khăn trong việc chữa cháy, thoát nạn. Các quy định an toàn về sử dụng hệ thống điện bị buông lỏng. Thói quen sử dụng nguồn sinh lửa, sinh nhiệt để đun nấu, thờ cúng, hút thuốc... tại các chợ vẫn diễn ra hết sức bất cẩn.

Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo 

Ghi nhận từ buổi kiểm tra an toàn PCCC gần đây nhất tại chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) của Cảnh sát PCCC (Công an TPHCM) cho thấy, sự an toàn của cơ sở này nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi một số tác nhân nguy hiểm từ bên ngoài chợ. Cụ thể, các cổng phụ ra vào chợ gần như đều bị vô hiệu hóa bởi những bãi giữ xe máy tự phát, thậm chí hoạt động đun nấu cũng diễn ra ngay sát bên các phương tiện này; hầu hết lối giao thông xung quanh chợ đều bị lấn chiếm bởi các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ mà đa phần lại xem nhẹ công tác phòng chống cháy nổ.

Dù ở hầu hết các chợ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc các điều kiện về PCCC nhưng đa số tiểu thương lại không quan tâm đến việc cần bỏ ra một khoản phí nhỏ để mua bảo hiểm cho chính tài sản của mình. Chỉ đến khi chợ xảy ra hỏa hoạn thì mọi người mới tá hỏa nhận ra vai trò quan trọng của bảo hiểm.

Điển hình như vụ cháy Chợ Lớn ở Quy Nhơn (Bình Định) vào cuối năm 2006, thiệt hại trên 120 tỷ đồng; toàn bộ tiểu thương chợ phải tự gánh chịu tổn thất do không mua bảo hiểm cháy nổ. Còn trong vụ cháy chợ Quãng Ngãi đã gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của 424 hộ tiểu thương với tổng số tiền khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì cả đơn vị quản lý chợ và tiểu thương đều trắng tay vì không mua bảo hiểm hỏa hoạn. Lý do mà các tiểu thương đưa ra là cả chợ không ai mua thì mình mua làm gì? Họ cũng chủ quan rằng, dễ gì chợ đã cháy mà phải mua bảo hiểm cho tốn tiền nên không mặn mà mua bảo hiểm hàng hóa.

Đại tá Đinh Văn Ngàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, nhận định: “Đây là thực trạng hết sức nguy hiểm. Trường hợp xảy ra hỏa hoạn tại khu vực này, nguy cơ cháy lan sang chợ sẽ rất cao; việc tiếp cận hoạt động của xe chữa cháy cũng như công tác tổ chức dập lửa, cứu nạn sẽ gặp cản trở lớn và thiệt hại để lại cũng sẽ rất khó lường”.

Không chỉ riêng chợ Bình Tây, việc bị “bao vây” bởi nhiều nguy cơ gây mất an toàn về PCCC và CNCH đã và đang trở thành tình hình chung của đa số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM. Trên thực tế, thành phố cũng đã có một số bài học thực tiễn về việc an toàn của các khu chợ truyền thống; điển hình như vụ cháy nhà dân sát chợ Hòa Hưng (quận 10) vào tháng 7-2018, do tình hình giao thông đông đúc, lực lượng Cảnh sát PCCC mất khá nhiều thời gian mới tiếp cận được điểm cháy, khiến nhiều tiểu thương trong chợ hoảng loạn vì sợ cháy lan. Sau đó, vụ cháy được dập tắt kịp thời, không để lại thiệt hại nghiêm trọng.

Theo Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TPHCM), để đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ và trung tâm thương mại, các ban quản lý cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn PCCC đến các hộ kinh doanh trong chợ, trung tâm thương mại; đồng thời, thường xuyên tổ chức tốt công tác tự kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời phát hiện các thiếu sót, khắc phục ngay những yếu tố không đảm bảo an toàn PCCC; chú trọng trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định.

“Để tiếp tục giải quyết vấn đề này, trước hết phải tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho mọi người dân, người đứng đầu cơ sở; các cơ quan chức năng vào cuộc nâng cao nhận thức trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết về PCCC. Thứ hai, tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC nói chung cũng như các yêu cầu liên quan nói riêng”, đại diện Cảnh sát PCCC cho biết. 

Cũng theo đơn vị này, với các chợ không đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ hoặc vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý của các ban quản lý chợ, lực lượng Cảnh sát PCCC trong quyền hạn của mình sẽ có những biện pháp xử lý mạnh theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục