Xét xử vụ vi phạm quy định về cho vay tại Trustbank

Cho vay vì đã được tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đồng ý (?)

Ngày 2-5, Tòa án nhân dân TPHCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín, viết tắt TrustBank. 

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Hoàng Văn Toàn (SN 1953, nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank), Trần Sơn Nam (SN 1969, nguyên Tổng Giám đốc TrustBank), Ngô Đức Trí (SN 1974, nguyên Phó Tổng giám đốc TrustBank), Lâm Hồng Trinh (SN 1967, nguyên Phó Tổng giám đốc TrustBank), Trần Thị Hồng Phương (SN 1977, nguyên Giám đốc khối kế toán của TrustBank), Hồ Trọng Thắng (SN 1972, nguyên Trưởng phòng quản lý tín dụng của TrustBank) và Phạm Thị Quỳnh Ngân (SN 1979, nguyên Trưởng phòng pháp chế của TrustBank).

Tiền thân của TrustBank là Ngân hàng TMCP Nông Thôn Rạch Kiến. Tháng 5-2013, TrustBank được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, viết tắt là Ngân hàng VNCB.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định: vào ngày 28-12-2012, các thành viên của Hội đồng tín dụng TrustBank (gồm 7 bị cáo trên) đã thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây dựng Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng. Đây là 2 công ty do Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, sau này là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng VNCB - PV) lập ra để sử dụng pháp nhân.

Cựu Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn (trái) và Tổng giám đốc TrustBank Trần Sơn Nam tại tòa
Trong quá trình xem xét, phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty vay vốn, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định cho vay; do đó không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, không đánh giá được rủi ro về tài chính…

Trên thực tế, kết quả điều tra cho thấy các công ty này đều không có hoạt động sản xuất kinh doanh; hồ sơ vay vốn, phương án kinh doanh, hợp đồng mua bán, hợp đồng hứa chuyển nhượng - hứa nhận chuyển nhượng đều được lập khống. Các bị cáo khi phê duyệt cho vay đã bỏ qua cảnh báo rủi ro về tài chính, về tài sản đảm bảo của cán bộ thẩm định mà chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá đối với lô đất có diện tích 5.104m² tại khu vực Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng). Tuy nhiên, việc áp dụng giá của chứng thư này để phê duyệt cho vay là không có căn cứ; bởi lẽ dự án tại khu đất Sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cũng không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào. Giá trị quyền sử dụng xác định tại chứng thư này là giá trị quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai, không thể làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng. Hành vi vi phạm của 7 bị cáo trên đã gây thiệt hại cho TrustBank (sau này là Ngân hàng VNCB) gần 471,2 tỷ đồng.

Trong ngày xét xử đầu tiên, một trong những nội dung được tập trung làm rõ là việc TrustBank giải ngân cho Công ty Thịnh Quốc và Công ty Đại Hoàng Phương vay vốn có được tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại TrustBank đồng ý hay không; bởi vào thời điểm đó, TrustBank chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát.

Trả lời câu hỏi do hội đồng xét xử đặt ra, ông Hà Tấn Phước (Tổ trưởng tổ giám sát) cho biết: khi nhận được văn bản đề xuất cho giải ngân, tổ giám sát - mà đại diện là ông Phước - có bút phê rằng nếu TrustBank muốn cho vay thì phải đảm bảo dư nợ bằng với dư nợ cuối ngày 31-12-2011; như vậy nội dung bút phê có nghĩa là không đồng ý việc cho vay. Tuy nhiên, được gọi lên thẩm vấn, các bị cáo trong vụ án đều cho rằng nội dung bút phê không thể hiện rõ là đồng ý hay không đồng ý, do đó các bị cáo nghĩ là đồng ý vì nếu không đồng ý thì đã ghi thẳng vào văn bản. Bị cáo Trần Sơn Nam khẳng định: “Nếu trong bút phê ghi rõ không cho vay thì TrustBank đã không cho vay”.

Những lời khai này được ông Hà Tấn Phước nhận xét là các bị cáo hiểu sai ý của tổ giám sát, và đề nghị hội đồng xét xử trưng cầu thêm ý kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước có mặt tại phiên tòa. Nhưng khi được chủ tọa phiên tòa hỏi, đại diện Ngân hàng Nhà nước từ chối đưa ra ý kiến.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Tin cùng chuyên mục