Chọn người sai sẽ để lại hậu quả khôn lường

Tại hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 và triển khai nhiệm nhiệm vụ năm 2018 vừa diễn ra, lần đầu tiên Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành thảo luận, lấy ý kiến chuyên đề “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ”. 
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn

Bên lề hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

 - Phóng viên:

Đồng chí có ý kiến như thế nào về vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” trong thời gian vừa qua?

>> Đồng chí LÊ ĐÌNH SƠN: Việc xử lý những cá nhân vi phạm của Đảng đã làm hết sức nghiêm túc với trách nhiệm cao, tạo niềm tin ở đội ngũ cơ sở rất lớn.

Thực trạng về chạy chức, chạy quyền trong hệ thống chúng ta là có, thậm chí nhiều chỗ còn nặng nề. Vấn đề này Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rồi. Chúng ta cần khẳng định, muốn Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước thực hiện thành công các nghị quyết và thực sự dân tin tưởng, yêu mến, thì phải dứt khoát thanh lọc đội ngũ cán bộ thoái hóa biến chất. Trong thoái hóa, biến chất thì có nhiều lĩnh vực, nhưng lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng tôi cho rằng rất quan trọng. Bởi khi bộ máy chọn người sai, sẽ để lại hậu quả khôn lường. Điều này, chúng ta đã có những bài học thực tế thời gian qua. Vì vậy, đề án của Ban Tổ chức Trung ương đưa ra thảo luận lần này rất đúng và kịp thời. Dự thảo đã đưa ra rất rõ cả về lý luận và thực tiễn. 

- Theo đồng chí, đâu là những việc cần phải làm đầu tiên để có thể “kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ”?

Theo tôi, có 5 điểm. Đầu tiên là xây dựng thể chế. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần, đó là “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ  chế”. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng khi đã có thể chế rồi thì còn người vận hành như thế nào? Điều này theo tôi còn quan trọng hơn. Vì hư là do con người. Vấn đề thứ 2, quy trình phải được công khai, dân chủ, đặc biệt là phải minh bạch. Thứ 3 là phải thực hiện đánh giá cán bộ đúng, đánh giá thực chất. Vấn đề thứ 4 cần phải tập trung là kiểm tra, giám sát với mọi công tác và phải kiểm tra ngay từng khâu để thực hiện. Vấn đề thứ 5 là nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Trong đề án có nhiều nhóm nội dung liên quan đến công tác cán bộ, trong đó công tác truyền thông cũng rất quan trọng. Tôi đánh giá rất cao giải pháp “4 không” đề án đưa ra: “không muốn, không dám, không thể và không cần”. Chúng ta cần phải thực hiện nghiêm “4 không” này. Làm sao để mỗi cán bộ chúng ta không thể lợi dụng được và không dám vi phạm kỷ cương, kỷ luật. Đó mới là điều quan trọng nhất!

- Như đồng chí nói, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về những sai phạm về công tác cán bộ ở một số địa phương, bộ, ngành. Vì sao chúng ta có các tổ chức kiểm tra, giám sát mà vẫn để xảy ra những sai phạm với hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận phản ứng mạnh trong thời gian qua?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất là do người đứng đầu. Khi người đứng đầu không dân chủ, có chủ nghĩa cá nhân, muốn bổ nhiệm con cháu nhà mình, thì bằng cách này, cách khác sẽ tìm cách vận dụng, thậm chí là tìm cách “xi nhan” cho nhau. Chính vì vậy, nên khi thực hiện quy trình bỏ phiếu thì kết quả 100% hết, nhưng thực chất là không phải vậy. Kết quả là quy trình thì đúng, nhưng sản phẩm không đúng. Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng cơ chế quản lý quyền lực. Muốn làm được điều này thì cần nhận diện cho rõ là xảy ra chạy quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ là xảy ra ở cấp nào, ở đâu; đâu là điểm yếu, lỗ hổng trong thời gian qua. Trong nhiều nguyên nhân, theo tôi, có nguyên nhân sâu xa là một bộ phận cán bộ của chúng ta đã suy thoái, trong đó có cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ. 

- Theo đồng chí, phải làm gì để ngăn chặn được tình trạng người đứng đầu có biểu hiện thao túng trong công tác cán bộ hiện nay? Chức quyền thì do Đảng, Nhà nước giao phó, nhưng nhiều người lãnh đạo lại dùng sai, đưa con cháu mình vào bộ máy không đúng tiêu chuẩn, quy định.

Việc thao túng rất dễ xảy ra. Bởi quyền của người đứng đầu là quyền to. Khi có quyền to thì người ta hay xem thường cấp dưới. Vì vậy việc đầu tiên là phải có quy chế để vận hành cái đó thật chuẩn. Nhưng điều thứ 2 hết sức quan trọng là người đứng đầu phải thực hiện dân chủ. Mặc dù gắn với trách nhiệm, quyền hạn, nhưng người đứng đầu không được quyết định trước mà phải thảo luận dân chủ trong cấp ủy, thường vụ trước khi ra quyết định. Cần phải thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, 12 và nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ là đạo đức, là văn minh. Trong đó đạo đức hết sức quan trọng. Tức là cái tâm phải trong sáng và danh dự của người đứng đầu luôn được nêu cao. Bởi con người khi đã suy thoái đạo đức, không tôn trọng danh dự bản thân, thì hành động xấu rất dễ xảy ra. Quyền lực là của nhân dân, mà tổ chức Đảng và Nhà nước giao cho họ. Nhưng khi có quyền thì họ lại tha hóa quyền lực vì mục đích cá nhân. Đó chính là mặt trái của công tác cán bộ mà chúng ta cần phải xử lý.

- Xin cảm ơn đồng chí! 

Tin cùng chuyên mục