Chống chọi bão số 5, cứu lúa hè thu

* 8 người thiệt mạng do lũ ở đồng bằng sông Cửu Long
Chống chọi bão số 5, cứu lúa hè thu

* 8 người thiệt mạng do lũ ở đồng bằng sông Cửu Long

(SGGPO).- Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, ở đảo Cô Tô có gió mạnh 26m/s (cấp 10), giật 38m/s (cấp 13); đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh 25m/s (cấp 10), giật 33 m/s (cấp 12); Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió mạnh 22m/s (cấp 9), giật 38m/s (cấp 13); Phủ Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh 15m/s (cấp 7); giật 21m/s (cấp 9); Thái Bình có gió mạnh 12m/s (cấp 6); giật 19m/s (cấp 8). Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, với lượng mưa phổ biến 20 - 50mm; một số nơi có mưa to hơn như Cô Tô 126mm; Quảng Hà 108mm; Cửa Ông (Quảng Ninh) 125mm…
 

Nước lũ làm ngập hơn 700 ha lúa vụ 3 tại Đồng Tháp. Ảnh: Duy Khương
Nước lũ làm ngập hơn 700 ha lúa vụ 3 tại Đồng Tháp. Ảnh: Duy Khương

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Sáng nay, 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đi thị sát việc phòng chống bão số 5 tại các tuyến đê biển xung yếu trên địa bàn TP Hải Phòng như đê số 1 thuộc quận Đồ Sơn, đê Đoạn Xá, huyện Kiến Thụy và huyện Thủy Nguyên.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 1-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Việt Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
 

Nước lũ đang làm xói lở các bờ bao tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Duy Khương
Nước lũ đang làm xói lở các bờ bao tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Duy Khương

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục đi sâu vào đất liền suy yếu và tan dần.
 

Người dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng di dời nhà chạy lũ. Ảnh: Huỳnh Lợi
Người dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng di dời nhà chạy lũ. Ảnh: Huỳnh Lợi

Do ảnh hưởng của bão ở vịnh Bắc Bộ tối nay (30-9) còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7.

Nhà dân ở Đồng Tháp chìm trong biển nước. Ảnh: Huỳnh Lợi
Nhà dân ở Đồng Tháp chìm trong biển nước. Ảnh: Huỳnh Lợi

Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4 mét.

Các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
 

Trường tiểu học Bình Thạnh 1, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bị lũ nhấn chìm. Ảnh: Huỳnh Lợi
Trường tiểu học Bình Thạnh 1, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bị lũ nhấn chìm. Ảnh: Huỳnh Lợi

 
Các tỉnh Nam bộ có mưa rào và dông rải rác, gió tây nam cấp 2, cấp 3.  
 
Tây Nguyên chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác. Gió tây nam đến nam cấp 2 - 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 19 - 22° C, nhiệt độ cao nhất từ 26 - 29° C.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng, sáng nay, khi bão đổ bộ, trên vùng biển cách phao số 0 khoảng 2km thuộc ranh giới giữa vùng biển Hải Phòng và Quảng Ninh, một tàu chở hàng có tải trọng trên 1.000 tấn đã bị đứt dây neo, trôi dạt trên biển. Các thủy thủ và thuyền viên đang tìm mọi cách để chống chọi với hiểm nguy.

Lực lượng cứu hộ tiếp tục đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Phúc Hậu
Lực lượng cứu hộ tiếp tục đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Phúc Hậu

Ông Đỗ Trung Thoại- Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, ngay khi nhận được thông tin đề nghị cứu hộ, lực lượng cứu hộ của TP Hải Phòng đã tiếp cận hiện trường, nỗ lực cứu con tàu gặp nạn trên. Tuy nhiên, do bão lớn, gió giật mạnh nên việc cứu hộ rất khó khăn.

Hiện UBND TP Hải Phòng đã đề nghị Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực I điều xà lan cỡ lớn ra giải cứu tàu gặp nạn. 

Sáng 30-9, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, thông tin từ đoàn công tác tại Quảng Ninh, hiện các tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn; tàu du lịch bị cấm hoạt động từ 6 giờ ngày 29-9 và đã được di dời vào nơi trú tránh; lồng bè nuôi trồng thủy sản đã đưa vào nơi neo đậu. Đối với nhân dân ở các vùng nguy hiểm, tỉnh đã có phương án sẵn sàng di dời và hiện đang theo dõi chặt chẽ để di dời khi cần thiết. Người già và trẻ em trên các lồng bè, làng chài đã được đưa vào đất liền song vẫn còn một số người ở lại, do vậy, Đoàn công tác đã đề nghị di dân triệt để vào nơi an toàn và tỉnh sẽ cưỡng chế nếu cần thiết.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 30-9. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, các khu vực hầm lò, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp đối phó. Trong ngày 29-9, UBND tỉnh đã họp trực tuyến với UBND các huyện để chỉ đạo đối phó với bão; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo tại các huyện Vân Đồn, thị xã Cẩm Phả.    
      
Tại Hải Phòng, tính đến 22 giờ ngày 29-9, tất cả các tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Thành phố đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 30-9.

Tại Thái Bình, tàu thuyền đã vào nơi trú tránh an toàn, chỉ còn có 2 chiếc nằm ở cảng cá nhưng ở khu vực nguy hiểm, Đoàn công tác đã chỉ đạo trong sáng 30-9 phải đưa vào nơi an toàn phải hoàn thành công tác di dời dân trước 9 giờ ngày 29-9.   
      
Bộ Tham mưu - Bộ đội Biên phòng cho biết, đến 6 giờ ngày 30-9 đã thông báo kêu gọi được 39.917 tàu, thuyền với 179.679 lao động và 3.006 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 5.694 người. Hoạt động, neo đậu tại Vịnh Bắc Bộ (tàu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình) là 28.866 tàu, thuyền với 111.557 người; hoạt động ven bờ, vùng biển khác và neo đậu tại các bến là 11.051 tàu, thuyền với 68.122 lao động.

Về tình hình tàu Đức Minh 18 bị tai nạn, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Bộ đội biên phòng Thanh Hóa đã tiếp cận được tầu nhưng do nước cạn nên không kéo tầu ra khỏi vị trí bị mắc cạn. Lực lượng cứu hộ đã giúp đỡ tầu Đức Minh 18 neo đậu tầu tại vị trí bị nạn và đưa 39 thuyền viên vào bờ an toàn lúc 3 giờ ngày 30-9.    
      
Các tỉnh Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, thành phố Hà Nội đã có công điện chỉ đạo các cấp, ngành tại địa phương triển khai phó với bão số 5. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội tích cực chỉ đạo việc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tỉnh Thanh Hóa cho học sinh các trường PTTH trên địa bàn tỉnh nghỉ học 2 ngày để giúp gia đình thu hoạch lúa. 

Công điện khẩn thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống bão số 5

Tiếp theo Công điện khẩn số 1738/CĐ-TTg, ngày 29-9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn 1755/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó bão số 5 được dự báo chiều 30/9 sẽ đổ bộ vào đất liền.

Theo dự báo, bão số 5 đang tiếp tục di chuyển nhanh về phía bờ biển nước ta, khoảng trưa chiều ngày mai (30/9), vùng tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Ngay từ đêm nay, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, bão có thể gây gió mạnh, nước biển dâng cao, mưa to đến rất to tại các tỉnh Bắc Bộ.

Từ chiều 29-9, ra quyết định cấm biển đối với tàu thuyền

Để chủ động phòng, chống bão, mưa lũ hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển quyết định việc cấm biển ngay trong chiều nay (29/9), tiếp tục rà soát tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận tải và tàu thuyền du lịch), bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, tổ chức neo đậu hoặc kéo lên bờ để đảm bảo an toàn (hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu), không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, cho học sinh nghỉ học khi bão đổ bộ vào, chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, cắt tỉa cành cây, hạn chế thiệt hại, tai nạn do cây đổ. Chủ động tiêu nước đệm, triển khai các phương án chống ngập úng bảo vệ lúa, hoa màu, chống ngập úng các thành phố đề phòng mưa lớn. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, chủ động vận hành đảm bảo an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Bên cạnh đó, phải rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, chủ động di dời dân để đảm bảo an toàn, khu vực chưa tổ chức di dời được phải sẵn sàng phương án sơ tán bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại bến đò ngang, các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Chủ động đối phó tình huống mưa lũ lớn, bị chia cắt

Đồng thời, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn, bị chia cắt.

Thủ tướng Chính phủ cử 3 đoàn công tác do Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đến các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình để kiểm tra, đôn đốc phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

  • Trực cấp cứu 24-24h tiếp nhận điều trị miễn phí nạn nhân mưa bão

Ngày 30-9, trước cơn bão số 5 sắp tràn vào nước ta, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh yêu cầu triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế, cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt, sạt lở đất. Lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng. Hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn, cách thức xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động đối phó với tình huống mưa lũ, bị chia cắt dài ngày do mưa bão gây ra. Khi có lệnh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ở khu vực nguy hiểm.

Các cơ sở y tế phải tổ chức trực ban, trực cấp cứu suốt ngày đêm, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa bão, úng lụt, sạt lở đất và lốc xoáy gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão lụt và dịch bệnh tay chân miệng (TCM) lan rộng trên cả nước, Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm trong cả nước đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị bệnh TCM và thuốc phòng chống thiên tai, lụt bão. Đặc biệt, đảm bảo cơ số thuốc phục vụ bão lụt và hóa chất khử trùng, diệt khuẩn đối với các tỉnh bị ảnh hưởng của bão lũ và các thuốc trong phác đồ điều trị bệnh TCM, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và biến động tăng giá thuốc.

Cục cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đồng thời, Cục Quản lý dược sẽ xem xét giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu phòng chống thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.     

  • An Giang: Nước lũ tạm đứng, nhưng vẫn cao đe dọa vỡ đê

Trưa 30-9, ông Võ Thanh Tráng-Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết: Tình hình đang khả quan hơn những ngày trước. Suốt đêm 29 đến giờ, mực nước lũ tạm đứng, do triều cường giảm. Chúng tôi đã đi kiểm tra hết các nơi xung yếu trong toàn huyện, cho thấy không phát sinh trường hợp vỡ đê mới. Tuy nhiên, 25.500 ha lúa vụ 3 vẫn đang nằm trong diện nguy hiểm, nước lũ vẫn còn rất cao, chênh lệch mực nước trong ngoài đê khoảng 3m, áp ực nước rất lớn. Trong vài ngày tới, có một đợt lũ mới tràn về sẽ rất nguy hiểm. Do vậy, việc gia cố toàn bộ hệ thống đê bao, cống đập vẫn đang được thực hiện quyết liệt. Toàn huyện đã có lệnh hủy bỏ hoặc hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung tối đa chống lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống lũ. Hiện lượng cừ tràm, cát để gia có đê thiếu nghiêm trọng. Do lũ lớn, xà lan không vào được các tuyến kênh vì kẹt cầu. Trong khi xe Kobe không thể đứng trên thân đê hoạt động được. Đến nay, toàn huyện châu phú có gần 3.000 ha lúa bị lũ nhấn chìm do vở đê tại 5 tiểu vùng, thuộc các xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Mỹ, Bình Long và Ô Long Vĩ. Trong khi đó, tại huyện Châu Thành, vùng xung yếu thứ 2 sau Châu Phú đêm qua đến nay cũng không phát sinh vỡ đê mới.

Chở bao cát gia cố khu vực đê xung yếu kênh 8, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú. Ảnh: Bình Đại

Chở bao cát gia cố khu vực đê xung yếu kênh 8, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú. Ảnh: Bình Đại

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh An Giang, tính đến nay, mưa lũ đã gây ra 10 vụ vỡ đê trên địa bàn các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Tri Tôn, An Phú, nhấn chìm gần 6.000 ha lúa thu đông. Tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp tại thị xã Tân Châu, huyện Châu Phú, Chợ Mới… làm 124 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Nước lũ gây ngập và xiêu vẹo gần 2700 căn nhà, nhiều nhất tại huyện An Phú có hơn 130 căn… Đặc biệt, huyện An Phú hiện có 1.600 hộ dân cần hỗ trợ lương thực, 3.590 hộ dân cần hỗ lưới, xuồng để mưu sinh trong mùa lũ… 
 

Nhiều ngày qua, lực lượng bộ đội luôn có mặt tại các nơi xung yếu, giúp dân xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang huy động người dân sẵn sàn hiến cây bạch đàn đề gia cố đê, cứu lúa. Ảnh: Bình Đại

Nhiều ngày qua, lực lượng bộ đội luôn có mặt tại các nơi xung yếu, giúp dân xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang huy động người dân sẵn sàn hiến cây bạch đàn đề gia cố đê, cứu lúa. Ảnh: Bình Đại

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh An Giang huy động lực lượng quân sự, công an cùng các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương khẩn cấp triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống lũ. Hiện mỗi ngày có hơn 11.000 người (trong đó lực lượng quân sự, công an hơn 3500 cán bộ, chiến sĩ) trực tiếp tham gia việc nâng cấp, gia cố đê bao. UBND tỉnh đã tạm ứng 14 tỷ đồng cho 7 địa phương bị lũ đe dọa, thiệt hại nhiều nhất là: Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và thị xã Châu Đốc để bảo vệ sản xuất và đời sống người dân vùng lũ. Hiện toàn tỉnh quyết định tạm hoãn, hủy các cuộc họp không cần thiết, khẩn cấp để tập trung tối đa chống lũ.

Lũ từ thượng nguồn sông Mê Kong đổ về tràn ngập cánh đồng thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Lợi
Lũ từ thượng nguồn sông Mê Kong đổ về tràn ngập cánh đồng thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Lợi

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP online vào chiều 30- 9, ông Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tình hình lũ còn diễn biến phức tạp do đó bảo vệ an toàn tính mạng người dân và học sinh là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Cùng với việc di dời bà con vùng ngập sâu, nơi sạt lở… đến chỗ ở an toàn thì An Giang đang khẩn trương tổ chức nhiều điểm giữ trẻ mùa lũ và đưa rước học sinh đến trường. Trước mắt đưa rước khoảng 3.000 học sinh ở huyện đầu nguồn An Phú và thị xã Tân Châu, sau đó tiếp tục triển khai đưa rước học sinh ở các huyện khác.

Người dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, đưa trẻ em ra khỏi nhà cửa bị ngập sâu. Ảnh: Huỳnh Lợi
Người dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, đưa trẻ em ra khỏi nhà cửa bị ngập sâu. Ảnh: Huỳnh Lợi

Chiều 30- 9, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, mực nước lũ các nơi trong tỉnh tiếp tục lên nhanh và vượt báo động 3 từ 0,21- 0,36 mét; tại trạm Hồng Ngự mực nước đã cao hơn đỉnh lũ năm 2000 là 0,01 mét. Lũ lên cao đã làm ngập và gây sạt lở 371 km đường giao thông, khối lượng đất đá bị trôi 823.929 m³, 10 cầu cống bị hư hỏng.
 

Người dân xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, Đồng Tháp dựng chòi trên bờ kênh ở tạm. Ảnh: Huỳnh Lợi
Người dân xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, Đồng Tháp dựng chòi trên bờ kênh ở tạm. Ảnh: Huỳnh Lợi

Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, tỉnh Đồng Tháp huy động  hơn 3.692 người túc trực ở các điểm nóng để gia cố bờ bao bảo vệ lúa, di dời dân, khắc phục sự cố các công trình giao thông…

Do nhiều điểm trường bị nước lũ nhấn chìm, để bảo đảm an toàn tính mạng học sinh, Đồng Tháp đã cho 443 điểm trường, gồm 7.761 lớp với  217.940 học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học tránh lũ.

Thành phố Cần Thơ cũng có 324 nhà và gần 60 km đường giao thông nông thôn bị ngập.

* Tính đến thời điểm này, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm 8 người chết, trong đó, tỉnh An Giang có 4 người chết; Đồng Tháp (1 người); Long An (2 người); thành phố Cần Thơ (1 người).     

 Nhóm PV Báo SGGP Online

Tin cùng chuyên mục