Chống chuyển giá - Phải kiểm soát được đầu vào, đầu ra

Lâu nay công tác chống chuyển giá ở các tập đoàn đa quốc gia chỉ tập trung vào giá nguyên liệu mua vào cao, được bán từ công ty mẹ hoặc công ty liên kết có trụ sở tại “thiên đường thuế” (mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hoặc bằng 0%) để tăng giá vốn, nhằm giảm lợi nhuận, tránh thuế.

Thế nhưng, hoạt động chuyển giá không chỉ ở khâu đó, mà còn cần phải kiểm soát nhiều khâu khác như xác định được giá trị đầu tư, doanh thu và chi phí thực thì mới chống được chuyển giá.

Chống chuyển giá - Phải kiểm soát được đầu vào, đầu ra ảnh 1 Sản xuất sản phẩm cơ khí tại doanh nghiệp FDI. Ảnh: THÀNH TRÍ
Có cần kiểm soát giá đầu tư?

Gần đây, các ngành chức năng phát hiện ra rằng, hoạt động chuyển giá còn nằm ở khâu “giá trị đầu tư ảo”. Tức nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn đầu tư lớn, nhập máy móc thiết bị với giá khống để được khấu hao trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhằm tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo cáo lỗ và đến nay, có hơn 50% số doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ.

Thực tế, việc doanh nghiệp lỗ không đáng chú ý, nhưng rất nhiều doanh nghiệp cứ báo cáo lỗ, lỗ liên tục nhưng vẫn đầu tư mở rộng chiếm lĩnh thị trường, lại là vấn đề cần nghiêm túc xem xét. Không ít lãnh đạo cho rằng, doanh nghiệp FDI lỗ thì họ thiệt vì đó là vốn của họ. Rồi cứ lấy con số thu hút được bao nhiêu vốn FDI đăng ký để báo cáo thành tích. Trong khi đó, không cơ quan nào xem xét vốn đầu tư đó là thật hay ảo, vốn đầu tư từ nước ngoài vào hay vốn đi vay.

Do vậy, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi mới đây đề xuất phương án cho phép cơ quan quản lý nhà nước được quyền thẩm định giá bằng cách thuê định giá để định giá vốn đầu tư và mua sắm tài sản cố định đầu tư của doanh nghiệp FDI, nhằm xác định chính xác giá trị đầu tư ban đầu, tránh tình trạng kê khống giá trị đầu tư, mục tiêu là chống chuyển giá. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là khi nào thì cơ quan nhà nước được quyền thuê định giá? Nếu không quy định rõ sẽ phát sinh tùy tiện. Nếu quy định cơ quan quản lý nhà nước được phép định giá toàn bộ thì nhà nước không có chi phí thuê. Tuy nhiên, nếu dựa vào lý do chống chuyển giá trong đầu tư sẽ quay trở lại cách thức quản lý lạc hậu, nặng về hành chính, thủ tục rườm rà, phức tạp lại cản trở hoạt động đầu tư và tự do kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng, cần xác định việc chuyển giá là một thực tế tất yếu, bởi doanh nghiệp hướng đến lợi nhuận thì làm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận, để từ đó có cách quản lý phù hợp. Đâu chỉ ở việc khai khống giá trị đầu tư mà lâu nay không ít doanh nghiệp FDI đầu tư bằng vốn vay với lãi suất cao từ công ty mẹ, khi đó lãi vay sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng là cách giảm thuế.

Nhưng việc này luật không cấm và các doanh nghiệp trong nước khác vẫn dùng vốn vay, nên không vì thế mà cấm đoán. Do vậy, việc quy định chống chuyển giá bằng các công cụ hành chính lỗi thời, đi ngược lại sự vận động của các quy luật thị trường là không phù hợp, sẽ làm cản sự hoạt động thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Kiểm soát “giá” chứ không phải “vốn”

Quan trọng nhất của chống chuyển giá là làm cách nào nhận diện được các giao dịch liên kết với giá phi thị trường. Từ đó mới có quy định cụ thể để có thể nhận diện và kiểm soát được các giao dịch liên kết. Vì chính các quan hệ liên kết làm phát sinh giao dịch có giá phi thị trường, cả trong các giao dịch đầu tư, thương mại, tài chính, lao động…

Như vậy, căn cứ vào các giao dịch và giá giao dịch sẽ phân tích được lợi nhuận hoạt động (chứ không phải lợi nhuận ròng) khi doanh nghiệp liên tục lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất và đầu tư, từ đó sẽ hiểu được nguyên nhân lỗ. Nếu phát hiện có dấu hiệu của giao dịch liên kết thì lấy giá thị trường để làm căn cứ phát hiện và xử lý những giao dịch với giá phi thị trường.

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, muốn xác định được lợi nhuận thực, phải xác định được giá trị đầu tư thực, xác định được doanh thu thực và chi phí thực. Trong khi chúng ta còn quá nhiều lỗ hổng trong quản lý doanh thu, chi phí thực của doanh nghiệp thì hô hào xác định lợi nhuận thực, hay lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp để chống chuyển giá là không thực tế, thiếu khả thi. Do vậy, theo chuyên gia này, hoạt động chuyển giá có tính hệ thống chứ không phải chỉ ở lĩnh vực đầu tư và bản chất của nó ở “giá” chứ không phải “vốn”, nên chống chuyển giá không thể cắt khúc bằng việc sửa Luật Đầu tư hay luật nào đó có liên quan để bịt lỗ hổng được.

Ông cho rằng, cần sớm ban hành thêm luật chống chuyển giá. Tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá đều được quy định trong luật chung thống nhất.

Tin cùng chuyên mục