Chống gian lận thương mại thị trường tết

Không chỉ đối với khu vực phía Nam, TPHCM còn là đầu mối giao thương, trung chuyển và thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất nước. Chính vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch thị trường và tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đang triển khai mạnh đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018.
Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra hàng hóa kinh doanh trên địa bàn
Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra hàng hóa kinh doanh trên địa bàn

Tập trung địa bàn trọng điểm

Theo Chi cục QLTT TPHCM, ngay từ đầu quý 4-2017, đơn vị này đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018. Cụ thể, các Đội QLTT trên địa bàn tiến hành rà soát, lập danh sách những điểm giao nhận hàng hóa, kho bãi… nhằm xác định đối tượng, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đối với thị trường dịp tết, lực lượng QLTT xác định các mặt hàng trọng điểm cần tập trung kiểm soát là thực phẩm, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, mỹ phẩm; đặc biệt là hoạt động vận chuyển và kinh doanh thuốc lá điếu và pháo lậu các loại.

Mặt khác, các quận 6, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức; huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… là những nơi có nhiều kho chứa, bến bãi tập kết hàng hóa trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, các quận 1, 3, 5, 6, 10, 11; cùng một số trung tâm thương mại, chợ đầu mối… lại là địa bàn lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gian lận thương mại. Đây là những mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thường được các đối tượng phân phối, tiêu thụ thông qua mạng lưới chợ truyền thống, chợ tự phát để tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Từ tháng 9 đến tháng 12-2017, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra, phát hiện khoảng 1.600 trường hợp vi phạm; qua đó, xử phạt vi phạm hành chính hơn 18,8 tỷ đồng và tiêu hủy số lượng hàng trị giá khoảng 58 tỷ đồng… Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: “Chi cục QLTT thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND 24 quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, hàng gian, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, các lực lượng đảm bảo công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát tại những tổng đại lý, đại lý phân phối hàng hóa; không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường”.

Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, công tác kiểm tra, giám sát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018 sẽ được triển khai với 5 đội cơ động của Chi cục QLTT thường xuyên, liên tục tại các địa bàn trọng điểm để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng giả... Song song đó, có biện pháp kiểm tra hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng.

Gian lận ngày càng tinh vi

Ghi nhận thực tế tại thị trường TPHCM cho thấy, hiện hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 đã được trưng bày, giới thiệu với nguồn cung dồi dào, mẫu mã phong phú, chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân đang dần tăng cao để đưa hàng hóa kém chất lượng ra thị trường bằng nhiều hình thức. Điển hình, tại các tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng… mỗi sản phẩm quần áo thời trang, may mặc, giày dép, túi xách, mắt kính, ốp lưng điện thoại… được bày bán với mức giá phổ biến từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng hỏi xuất xứ hàng hóa thì người bán chỉ nói là hàng sản xuất trong nước, sản phẩm thanh lý cuối năm của các công ty, nhưng không chứng minh được nguồn gốc rõ ràng của những mặt hàng này.

Theo lực lượng QLTT TPHCM, tình hình buôn lậu hàng gian, hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp và hết sức tinh vi. Các đối tượng sản xuất hàng gian, hàng giả vừa đặt cơ sở ở các quận ven, huyện ngoại thành và vận chuyển hàng hóa vào ban đêm để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, các đối tượng kinh doanh, bán buôn thường đánh lừa người tiêu dùng bằng thủ thuật trưng bày hàng thật - hàng giả lẫn lộn dẫn đến khó phân biệt. Đặc biệt, với tâm lý thích dùng hàng hiệu nhưng ham giá rẻ, một bộ phận người dân vẫn còn thói quen chấp nhận sử dụng hàng kém chất lượng dù biết đó là hàng giả, hàng nhái. 

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, cho hay song song với các giải pháp kiểm tra, giám sát trên địa bàn, lực lượng QLTT TPHCM còn đẩy mạnh phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh lân cận có đường biên giới như Long An, Tây Ninh, Bình Phước để chủ động phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chuyển vào địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả thì không chỉ là nhiệm vụ của các ngành chức năng mà rất cần sự phối hợp của người dân, nhất là việc nâng cao ý thức không sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tích cực tham gia tố giác tội phạm. Đây cũng là việc làm thiết thực để hỗ trợ cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp tết này.

Tin cùng chuyên mục