Chống ngập do triều cường - nhìn từ một đề án

Trong 2 ngày 16 và 17-10, triều cường lại phá vỡ hàng chục tuyến bờ bao, gây ngập nhiều tuyến đường của TPHCM. “Đến hẹn”, người dân và các cấp chính quyền lại phải chống chọi với thủy triều vì nước ngập vào nhà, kẹt xe… bằng các biện pháp chắp vá, thiếu căn cơ.

Thật ra, diễn biến tình trạng ngập do triều cường ngày càng trầm trọng hơn và hậu quả nặng nề như thế nào không phải lãnh đạo các cấp không biết. Đầu năm 2008, trong chuyến làm việc với TPHCM, sau khi nghe lãnh đạo TPHCM báo cáo về tình hình này, ngay khi trở về Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT thành lập gấp tổ nghiên cứu để tìm kiếm giải pháp chống ngập do triều cường cho TPHCM.

Chẳng bao lâu, nhóm nghiên cứu này được thành lập gồm các nhà khoa học đầu ngành. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học trước đó, chỉ trong 1 tháng nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Sinh Huy đã cho ra đời đề án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TPHCM”.

Với bản quy hoạch này, nhóm tác giả đề xuất thực hiện các giải pháp kiểm soát triều và lũ từ vòng ngoài (tại cửa các sông lớn) bằng một hệ thống đê bao khép kín với các loại cống. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng. Khi đề án hoàn tất, sẽ khống chế được mực nước triều bên trong sông rạch luôn thấp hơn 1m.

Trong 2 tháng 3 và 4-2008, nhóm nghiên cứu đã báo cáo bản quy hoạch này hơn chục lần cho nhiều giới, nhiều cấp, sở-ngành từ trung ương đến địa phương để tham gia phản biện, góp ý. Song song đó, mỗi ngày không ít tờ báo tham gia lần lượt đăng tải các ý kiến đóng góp cho bản quy hoạch. Nếu đi vào chi tiết bản quy hoạch này, có thể còn điều này, điều nọ cần phải bàn bạc, tính toán kỹ hơn.

Nhưng xét trên phương diện tổng thể của bản quy hoạch thì hầu hết ý kiến đều khẳng định đây là một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị và thật sự cần thiết đối với TPHCM. Bởi lẽ, TPHCM còn cả trăm tuyến cống đã nằm dưới mực nước triều nên dù trời không mưa thành phố vẫn bị ngập.

Chưa kể, bản quy hoạch mới này sẽ bổ sung cho bản quy hoạch chống ngập úng tại TPHCM mà JICA thực hiện trước đây vì nó chỉ tập trung giải quyết việc thoát nước do mưa mà chưa tính đến chuyện chống ngập do triều (hiện các dự án chống ngập của TPHCM đang thực hiện theo bản quy hoạch này). Tuy nhiên, sau một thời gian họp hành, lấy ý kiến xôm tụ thì bản quy hoạch trên… đi vào quên lãng!

Những lời cảnh báo về sự tăng cao dần của mực nước triều mà giới khoa học đưa ra cho một tương lai xa nhưng giờ đã đến gần. Những dự án xây dựng bờ bao cục bộ để ngăn triều cho khu vực thời gian qua đầu tư gia cố cũng chẳng được bao nhiêu. Còn dự án kiểm soát triều không biết bao giờ mới triển khai thực tế. Chỉ biết rằng, mỗi đợt triều cường đi qua, các thiệt hại lại gia tăng.

Thiệt hại về tài sản còn có thể thống kê được nhưng những tổn thất về tinh thần, sức khỏe hàng ngàn người khi mỗi tháng đến hai lần phải lội trong dòng nước đen ngòm, tanh tưởi thì chắc chắn không ai có thể đong đếm được. Vì vậy, dư luận mong mỏi nếu đề án trên qua công tác phản biện thấy không khả thi thì cũng nên có thông báo để nghiên cứu tìm một đề án khác; nếu có thể áp dụng hoặc cần chỉnh sửa thì cũng nên gấp rút làm nhanh, bởi nếu thời gian càng trôi qua thì niềm tin vào một giải pháp khả thi cho vấn đề càng giảm đi.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục