Chống tham nhũng như chống giặc

Từ khi xã hội có giai cấp và nhà nước, tham nhũng đã xuất hiện. Tham nhũng là hành vi của người có chức, có quyền, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, cố ý làm trái pháp luật vụ lợi. Người ta có cơ sở khi nói, tham nhũng là thuộc tính của giai cấp thống trị (?!).
Ở nước ta, mấy ngàn năm dưới chế độ phong kiến, bên cạnh những vị quan thanh liêm cũng có không ít các vị quan tham, quan nhũng. Có lẽ thế, trong văn học dân gian cũng như văn học viết, khi nói đến quan, dường như người ta hình dung đến hình ảnh một phụ mẫu béo tròn đến mức phì nộn; làm điều thiện thì ít, làm điều ác thì nhiều (?!).

Từ khi giành độc lập, xây dựng nhà nước cộng hòa non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa, trông rộng đã chỉ rõ nguy cơ của đảng cầm quyền, của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Người nói, cán bộ phải là đầy tớ, công bộc của dân; phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư...

Từ định hướng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ vừa Hồng, vừa Chuyên và đặc biệt nghiêm khắc với những cán bộ tham nhũng, biến chất dù bất kể họ là ai. Mọi người còn nhớ vụ án Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu (sau là Tổng cục Cung cấp tiền thân Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam hiện nay). Đó là một cán bộ cấp cao có nhiều đóng góp cho cách mạng và quân đội ngay từ buổi sơ khai. Nhưng khi vi phạm bản chất truyền thống cách mạng của quân đội, dù có phải đau lòng, “thức nhiều đêm trắng”, Bác Hồ vẫn ký quyết định tử hình, loại ra khỏi đời sống xã hội. Đó chính là “hạ một người để cứu muôn người”! 
Việc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hôm nay như một cuộc chiến thực sự. Đó không phải cuộc chiến chống ngoại xâm mà là cuộc chiến chống nội xâm. Chống giặc ngoại xâm có chiến tuyến rõ ràng, còn chống giặc nội xâm phức tạp hơn; kẻ thù ẩn hiện ngay bên ta, trong ta. Vì thế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng mới đây, “đó là công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài”; đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có quyết tâm, dũng khí và cái tâm trong sáng.

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã tuyên chiến với giặc nội xâm từ lâu. Nhưng thực sự chỉ vài năm gần đây mới có hiệu quả thiết thực. Chống tham nhũng không có biên giới. Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Vì thế, người dân mới có niềm tin vào Đảng và chế độ; kỷ cương phép nước mới được thực thi một cách đầy đủ và công bằng. 

Tuy vậy, cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng vẫn còn lâu dài và quyết liệt. Đã có nhiều chủ trương, biện pháp thể hiện rõ nhất trong 6 vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng; để ngăn chặn, đẩy lùi giặc nội xâm, chúng tôi góp thêm vài kiến nghị: 

Thứ nhất, chủ trương, nghị quyết đã có cần làm quyết liệt, không “đánh trống bỏ dùi”, không “đầu voi, đuôi chuột”. Thiết thực nhất, phải giải quyết dứt điểm các vụ trọng án tồn đọng mà dư luận đang quan tâm. 

Việc kê khai tài sản của cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp cao cần được thực hiện nghiêm túc, minh bạch; và, khi kết luận có tài sản bất minh, phải được giải quyết triệt để theo đúng quy định của pháp luật. 

Thứ hai, đối với những người có liên quan tới các vụ trọng án, bất kể họ là ai (cả đương chức và nghỉ hưu), nếu sai phạm thì phải xử lý nhanh chóng, dứt khoát. Tránh trường hợp thanh tra đã kết luận có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền, nhưng hàng ngày trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thấy người đó xuất hiện hoành tráng; vẫn phán bảo mọi người như không có chuyện gì xảy ra. Đương nhiên, nếu kết luận người đó không vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệ, quy định của Đảng thì nhanh chóng phục hồi, trả lại danh dự, tạo điều kiện cho họ tiếp tục làm việc. 

Thứ ba, cần tạo hành lang pháp lý và cơ chế bảo vệ để các cơ quan báo chí và nhà báo tác nghiệp trên mặt trận chống tham nhũng. Công luận không phải quan tòa, nhưng báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, xử lý các vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng. 

Điều nữa, với phương châm: phòng trước, chống sau, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đi đôi với việc tuyên truyền giáo dục để mọi thành viên xã hội, đặc biệt cán bộ có chức có quyền “tránh vết xe đổ”, thực tâm, hết lòng, hết sức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. 

Tin cùng chuyên mục