QH thảo luận về công tác tư pháp và phòng chống tội phạm

Chống tội phạm môi trường: cách nào?

Chống tội phạm môi trường: cách nào?

Hôm qua 24-10, sau khi nghe báo cáo thẩm tra kết quả công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về các nội dung này. Một tâm điểm mang tính thời sự được nhiều ĐB quan tâm là tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường.

Cần sửa Bộ luật Hình sự và giám sát chuyên đề?

Đánh giá về tình hình năm 2008, nhiều ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong việc đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. Tuy nhiên, các ĐB cũng thẳng thắn chỉ rõ nhược điểm, như tiến độ xử án còn chậm, các bản án đã có hiệu lực của tòa án chậm được thi hành. Đặc biệt, đã bắt đầu xuất hiện một số loại tội phạm mới như tội phạm công nghệ cao, tội phạm trẻ tuổi, và mới đây là tội phạm về môi trường.

Chống tội phạm môi trường: cách nào? ảnh 1

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường.

Điều đáng nói là các cơ quan chức năng đang vướng về mặt pháp lý trong xử lý loại tội phạm môi trường.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết: “Hệ thống pháp luật về môi trường đồ sộ, nhưng còn nhiều lỗ hổng như chưa quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại, khắc phục ô nhiễm. Điều khoản trong Bộ luật Hình sự về xử lý gây ô nhiễm nguồn nước đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Luật Bảo vệ môi trường thì thiếu các nguyên tắc thực thi. Chế tài xử phạt tối đa 70 triệu đồng quá nhẹ, doanh nghiệp thà đóng phạt còn hơn chi 1 tỷ đồng xử lý”.

Ví vi phạm môi trường hiện đã như bệnh ung thư di căn, ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) bức xúc: “Càng thanh tra, giám sát càng phát hiện thêm nhiều sai phạm về môi trường”.

Trong khi đó, ĐB Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và MT của QH, nêu lên những khó khăn khi đi giám sát: “Các văn bản pháp luật nhiều điểm vẫn chưa quy định cụ thể những tội liên quan đến môi trường. Về mặt quản lý thì bộ máy hiện nay đang còn mỏng quá, trong khi phương tiện kỹ thuật cũng chưa đủ”.

Sắp tới, ủy ban này sẽ đề xuất sửa đổi một số điều trong Bộ luật Hình sự, trọng tâm là sửa đổi những nội dung liên quan đến tội phạm về môi trường. Còn ĐB Lê Thị Nga đề nghị QH đưa vào chương trình giám sát tối cao năm 2009 nội dung kiểm tra và đánh giá vi phạm ô nhiễm môi trường.

Đau lòng vì tội phạm ngày càng trẻ

Nghiên cứu khá kỹ báo cáo về tội phạm, các ĐB Hoàng Hữu Năng (Kon Tum), Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) tỏ ra lo ngại về xu hướng gia tăng tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên. ĐB Hoàng Hữu Năng yêu cầu tăng cường sự phối hợp trong giáo dục, quản lý giữa nhà trường – gia đình – cơ quan bảo vệ pháp luật đối với đối tượng này.

ĐB Lê Văn Tâm (Cần Thơ) dẫn con số từ báo cáo cho biết, hiện có tới 9,48% tội phạm là trẻ vị thành niên. Riêng ở TPHCM, theo ĐB Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an TPHCM, trong năm 2007 và 10 tháng đầu năm 2008, số tội phạm là thanh thiếu niên chiếm 30%, 18 tuổi trở xuống chiếm 23%... Phần lớn số này liên quan đến ma túy. Nguyên nhân trẻ hóa tội phạm được chỉ ra là “do mặt trái của kinh tế thị trường”, do “văn hóa phẩm, băng đĩa ngoài luồng không lành mạnh và Internet”, đặc biệt là do thiếu sự giáo dục, quan tâm của gia đình và các tổ chức đoàn thể.

Về hoạt động của các cơ quan tố tụng, vừa qua nổi lên tình trạng tòa án trả lại hồ sơ VKS chiếm tỷ lệ khá lớn. Có nghĩa là chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát điều tra cần phải được quan tâm. Lưu ý đến tình trạng án oan sai tuy đã giảm, nhưng vẫn còn tương đối cao, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đề nghị các ĐBQH dành thời gian tiếp cử tri, thực hiện đến nơi đến chốn việc chuyển đơn, thư; kiên trì giám sát thi hành pháp luật để đảm bảo công bằng cho người dân.

Nhiều ĐBQH cũng đề cập tình trạng xét xử cho hưởng án treo đạt tỷ lệ cao, đặc biệt là án tham nhũng, xấp xỉ 30%. “Tỷ lệ này nhiều hay ít không quan trọng, miễn là đúng pháp luật nhưng tỷ lệ này cần xem có đúng pháp luật hay không?” – ĐB Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của UB Thường vụ QH, nói.

Trao đổi lại với các ĐBQH, Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng thừa nhận việc trả hồ sơ, đình chỉ điều tra bị can không phạm tội… đã có tiến bộ, nhưng chưa được bao nhiêu. Ông Vượng hứa thời gian tới sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng này. 

HÀM YÊN – ANH THƯ 

Bộ trưởng Bộ Công an LÊ HỒNG ANH:
Tội phạm môi trường nghiêm trọng nhưng khó xử lý

Chiều qua, trước nhiều bức xúc của ĐBQH về tội phạm môi trường, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho biết:

Hiện nay tội phạm môi trường diễn ra nghiêm trọng, nhưng lại khó xử lý. Qua khảo sát các cơ sở công nghiệp trên toàn quốc, hầu hết khi xây dựng đều chưa thực hiện đúng quy định về xử lý rác thải, nước thải. Trong số 192 KCN, KCX trên toàn quốc, có trên 70% chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, chế tài xử lý lại chưa đầy đủ.

Điển hình như vụ Vedan, theo quy định chỉ xử lý được hành chính, không xử lý được về mặt hình sự, vì theo Bộ luật Hình sự, chỉ có thể xử lý hình sự đối với cá nhân, không xử lý pháp nhân. Lực lượng cảnh sát môi trường cũng mới được xử phạt hành vi vi phạm về môi trường từ 1-8-2008, còn trước đây khi phát hiện vi phạm phải thông báo để chính quyền địa phương xử phạt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thực hiện nên cũng… chưa xử phạt được.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm môi trường. Để thu hút đầu tư, nhiều ngành, địa phương chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, chưa quan tâm đến môi trường. Chức năng quản lý nhà nước của các cấp, ngành, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân. Chế tài xử lý hành chính quá nhẹ, Bộ luật Hình sự chưa có quy định xử lý.

Ví dụ, về việc xử phạt Vedan năm 2005, các cơ quan chức năng xử phạt 2 lần, một lần 6 triệu đồng, một lần 9 triệu đồng. Gần đây phát hiện công ty này vi phạm tới 12 lỗi, nhưng mới phạt được 268 triệu đồng, còn Bộ TN-MT đề nghị truy thu 127 tỷ đồng phí môi trường.

Để giải quyết được vấn đề này, đề nghị Quốc hội ra một nghị quyết yêu cầu các DN, các KCN, KCX tự khai báo vi phạm vệ sinh môi trường, đồng thời đề ra thời hạn khắc phục. Sau đó sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nếu còn vi phạm sẽ điều tra xử lý với tình tiết tăng nặng. Hiện nay, có hơn 70% số KCN, KCX vi phạm về môi trường, nên nếu xử lý ngay thì không thể làm xuể. Về mặt pháp lý, thời gian tới cần phải làm rõ hơn những yếu tố buộc tội đối với vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...

Sự phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế bên cạnh tích cực cũng phát sinh những tiêu cực. Một bộ phận nông dân không còn đất sản xuất, gặp khó khăn trong chuyển đổi công việc; sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội tăng; ý thức pháp luật của nhân dân chưa tăng đã làm gia tăng tội phạm. Trò chơi bạo lực, phim ảnh… cũng tác động tới thanh thiếu niên. Nhiều trường hợp phạm tội là do học theo cách thức trên phim ảnh. Người nghiện ma túy tăng nhanh, con nghiện không có tiền đi cướp giật. Số hết thời gian cai nghiện về địa phương, số học sinh, sinh viên bỏ học không quản lý tốt cũng trở thành tội phạm.

Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng công an dù đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sót. Tỷ lệ điều tra phá án hình sự còn thấp; các loại án nghiêm trọng như giết người, cướp của chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân là do cơ cấu, hành vi phạm tội có nhiều diễn biến mới, nhất là tội phạm lợi dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, đối tượng phạm tội lợi dụng Luật Cư trú mới dễ dàng để ẩn náu.

Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và xem đây là giải pháp cơ bản trong thời gian tới để phòng chống tội phạm. Đẩy mạnh sản xuất cũng phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Lực lượng công an sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự, quản lý giám sát chặt chẽ đối tượng có biểu hiện, khả năng phạm tội hay thanh thiếu niên bỏ học tại địa bàn… Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp với phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới ở khu dân cư. Chính quyền các cấp cần quan tâm nhiều hơn tới giải quyết việc làm cho người dân, nhất là số học sinh bỏ học, sinh viên mới ra trường nhằm ngăn chặn phát sinh tội phạm.

BẢO MINH ghi


Chống tội phạm môi trường: cách nào? ảnh 2

Tin cùng chuyên mục