Chống trộm cắp điện

TPHCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát động phong trào tiết kiệm điện và đang nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận khách hàng không những không tiết kiệm điện mà còn tìm nhiều phương cách để trộm cắp điện, “xài chùa”. Làm gì để giải quyết triệt để vấn nạn này?
Truy thu và phạt “khủng” 
Chuyện xảy ra vào ngày 28-2 tại một căn hộ kinh doanh karaoke trên đường Trần Bình Trọng (phường 5, quận Bình Thạnh TPHCM). Đây là một căn hộ lớn, có khá nhiều phòng và nhiều trang thiết bị sử dụng điện. Qua kiểm tra đo đếm đầu nguồn trong thời gian dài, có cơ sở để nghi vấn trộm cắp điện, thế nên tổ kiểm tra thuộc Công ty Điện lực Gia Định đã kiểm tra điện kế căn hộ nói trên.
Tại hiện trường, tổ công tác ghi nhận điện kế được đặt trong tủ gỗ và khách hàng đang sử dụng một thanh nam châm vĩnh cửu đặt trước mặt hộp bảo vệ điện kế khiến dĩa điện kế ngừng quay. Kiểm đếm các thiết bị sử dụng điện tại căn hộ này mới giật mình: 1 thang máy, 13 máy lạnh, 4 máy nước nóng và nhiều thiết bị sử dụng điện khác. Thế nhưng chỉ số điện hàng tháng tiêu thụ ghi nhận được chỉ 2.500 - 3.000kWh. Áp dụng các quy định xử lý, tổng số tiền truy thu điện của căn hộ này lên đến 483 triệu đồng, chưa kể chiều 17-4, Sở Công thương còn ban hành quyết định xử phạt hành chính gần 50 triệu đồng nữa.
Chống trộm cắp điện ảnh 1 Trộm cắp điện bằng thủ đoạn đặt nam châm trước điện kế tại nhà một hộ vi phạm sử dụng điện ở Bình Thạnh
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty, thông tin: “Chủ hộ này chỉ mới nộp tiền truy thu gần 50 triệu đồng, khi nào nộp đủ tiền truy thu và phạt, thì mới đóng điện lại. Năm 2016, công ty đã phát hiện 46 vụ trộm cắp điện với tổng số tiền truy thu 1,8 tỷ đồng. Năm 2017, số vụ vi phạm giảm không đáng kể, công ty phát hiện 32 vụ trộm cắp điện với tổng số tiền truy thu 1,4 tỷ đồng”. 
Tại quận 2 và 9, theo thông tin từ bộ phận kinh doanh của Công ty Điện lực Thủ Thiêm, trong 2 năm 2016 - 2017 số vụ trộm cắp điện có giảm, nhưng không đáng kể, từ 32 vụ xuống còn 25 vụ và số tiền truy thu khoảng 1 tỷ đồng. Trong đó, có những vụ trộm cắp không nhỏ, như một vụ ở phường Phước Long B (quận 9), sản lượng truy thu lên đến gần 50.000kWh và tổng số tiền truy thu hơn 199 triệu đồng.  
Từ năm 2016 trở về trước, hầu hết các vụ trộm cắp điện đều dùng thủ đoạn câu trộm trực tiếp trước điện kế hoặc đảo pha. Từ năm 2017, thủ đoạn trộm cắp điện phổ biến là dùng nam châm đặt trước điện kế. 
Tuyên truyền kết hợp công nghệ
Một vụ việc xảy ra gần đây khiến nhiều anh em các đội kiểm tra điện lực lo lắng khi thực thi nhiệm vụ. Vào lúc 18 giờ 30 ngày 13-3, đội kiểm tra của Công ty Điện lực Thủ Đức đã thực hiện lệnh công tác, kiểm tra tình trạng sử dụng điện tại nhà một khách hàng ở phường Tam Bình (quận Thủ Đức), phát hiện thủ đoạn đảo pha (dùng nguội ngoài để điện kế đo đếm không chính xác).
Khi nhóm công tác đang giữ nguyên hiện trường và lập biên bản, chủ nhà đã lấy một con dao lao vào chém tổ công tác. Dù bị thương, 3 nhân viên điện lực đã tước được con dao trên tay ông này, nhưng người nhà lại tiếp tục hỗ trợ ông ta, lấy thêm dao và lao vào chém. Do bị thương và mất nhiều máu, tổ công tác phải tháo chạy và được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức.
Trong lúc các y, bác sĩ đang cấp cứu nạn nhân thì người nhà ông này tiếp tục vác dao đến bệnh viện truy sát các nạn nhân, khiến 2 nạn nhân bị thương thêm ở đầu và mặt. Vụ việc chỉ kết thúc khi công an có mặt, lập biên bản và tạm giữ các đối tượng truy sát. Cơ quan công an đang điều tra và giám định thương tật nạn nhân. Riêng với chủ nhà vi phạm, sau khi tái lập hiện trường, lập biên bản vi phạm, đã bị buộc phải nộp 31 triệu đồng.
Vụ việc nói trên không phải là đơn lẻ. Tại các quận huyện khác, chuyện nhân viên kiểm tra điện lực bị hành hung, đe dọa ngày càng phổ biến. Riêng trong năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, tại Công ty Điện lực Thủ Thiêm đã xảy ra 3 vụ tương tự. 
Hầu hết việc phát hiện các vụ trộm cắp điện đều dựa vào đo đếm trên hệ thống và thông tin tố giác của người dân. Vì vậy, để phòng chống trộm cắp điện, phương thức tuyên truyền vẫn được ngành điện lực chú trọng.
Bên cạnh việc kiểm tra, rà soát tổn thất điện năng tại các trạm phân phối, mới đây, Công ty Điện lực Gia Định đã phối hợp với 2 quận Bình Thạnh và Phú Nhuận tổ chức tuyên truyền việc phòng chống trộm cắp điện đến các tổ dân phố, kêu gọi người dân cung cấp thông tin qua đường dây nóng khi có nghi vấn về sử dụng điện tại khu vực sinh sống. Người cung cấp sẽ được bảo mật và công ty sẽ thưởng nóng 1-2 triệu đồng cho thông tin có giá trị.
Khoản 10 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP có quy định việc truy cứu xử lý hình sự các vụ trộm cắp điện có sản lượng truy thu từ 20.000kWh trở lên, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có vụ nào bị xử lý hình sự, khiến công tác phòng chống trộm cắp điện càng khó khăn. Một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý triệt để các vi phạm và giải pháp hiệu quả nhất là sử dụng công nghệ mới.
Theo đó, phải lắp đặt các thiết bị đo đếm từ xa trên lưới như công việc mà ngành điện đang triển khai, song song đó, việc thay mới điện kế cơ bằng điện kế điện tử cũng là giải pháp hữu hiệu để chống trộm cắp điện. Đến nay đã có gần 25% điện kế cơ của khách hàng được thay bằng điện kế điện tử, sẽ nâng lên mức 50% vào cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục