Chủ động phòng tránh thiệt hại do mưa lũ

Theo số liệu chưa đầy đủ, đợt lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc vừa qua đã khiến 33 người chết và mất tích, 16 người bị thương, gần 3.000 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hư hại, ước tính thiệt hại kinh tế khoảng 450 tỷ đồng. 
Đại diện Báo SGGP chuyển tiền của bạn đọc đóng góp cứu trợ người dân bị sập nhà tại tỉnh Quảng Bình
Đại diện Báo SGGP chuyển tiền của bạn đọc đóng góp cứu trợ người dân bị sập nhà tại tỉnh Quảng Bình
Với tình cảm quan tâm và chia sẻ cùng đồng bào vùng lũ, bạn đọc Báo SGGP đã góp ý về giải pháp chủ động phòng tránh thiệt hại do mưa lũ.

Chú trọng phòng chống và cảnh báo sớm

Theo thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ riêng trong năm 2017, cả nước có 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng, phải di dời do mưa bão, lũ quét, sạt lở đất; tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm trước). 

Thiên tai là bất khả kháng, nhưng những thiệt hại do thiên tai gây ra có thể giảm thiểu một cách đáng kể nếu chúng ta biết cách phòng tránh. Để thực hiện được mục tiêu này, cần sự vào cuộc và phối hợp của các cơ quan chính quyền, nhà khoa học và cả người dân. Các nhà khoa học cần nhanh chóng thu thập, cập nhật các số liệu, những kết quả nghiên cứu khoa học về lũ quét, sạt lở đất ở trong và ngoài nước, so sánh đối chiếu với địa hình thực tế để xác định bản đồ mưa lũ. Sau đó đối chiếu với bản đồ dân cư để có thể biết những khu vực nào mà người dân có nhiều nguy cơ gặp lũ quét, sạt lở đất phải di dời, xây dựng mô hình dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo từng cấp độ. Cơ quan chức năng sẽ ứng dụng kết quả mô hình dự báo trong việc quy hoạch sử dụng đất, di dời dân cư trong khu vực nguy hiểm, quy hoạch xây dựng các công trình phòng tránh, các phương án cứu hộ khi có thiên tai, thông tin đầy đủ và kịp thời đến người dân về tình hình mưa bão, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Người dân trong khu vực nguy cơ chủ động hơn đón nhận các thông tin lũ quét, sạt lở đất, nhanh chóng phối hợp với chính quyền trong việc thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai.  
TRẦN TRUNG KIÊN 
(quận 1, TPHCM)
Lập các cụm dân cư an toàn để tránh lũ

Để hạn chế thiệt hại nhân mạng và tài sản người dân miền núi do mưa lũ, Nhà nước cần sớm có quy hoạch, sắp xếp lại căn cơ việc cư trú cho dân cư miền núi, thành các cụm dân cư an toàn hơn. Mỗi cụm dân cư cần được xây dựng trên triền đồi, đỉnh đồi đã san ủi đạt độ cao an toàn, không bị cảnh sạt lở hay ngập lụt, có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo bằng cách đưa nước từ sông suối về, hoặc từ hồ nhân tạo, và từng hộ dân có thiết kế hồ hứng chứa nước mưa bổ sung. Toàn bộ điểm dân cư phải thiết kế sao cho đảm bảo mùa mưa nước lũ không thể tràn vào được, mà chỉ chảy vòng, chảy ngang bên hoặc chảy quanh. Nếu những cụm dân cư này được xây dựng phù hợp sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường gấp nhiều lần và bền vững hơn, so với hàng năm phải huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, chi ngân sách khắc phục, cứu trợ và tốn kém cho xã hội nhiều thứ khác như hiện nay.

Nên chọn vùng đồi có độ cao thích hợp, không quá cách xa đường liên tỉnh, liên huyện hay quốc lộ, quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm, tạo thành những điểm dân cư với quy mô 30 - 50 hộ/điểm, hoặc nhiều hơn theo khả năng địa phương và nhu cầu người dân. Chia lô, phân nền và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân hiện sống có nhà cạnh vách núi, ven triền sông suối, vùng trũng thung lũng thường năm ngập lụt… về xây nhà cư trú ổn định lâu dài. Lúc bình thường, người dân cứ lên nương ra đồng sản xuất gieo trồng như cũ, nhưng khi trời chuyển vào mùa mưa lũ thì người dân gom về trú ngụ để bảo vệ tính mạng, tài sản. Các điểm dân cư này cần nối với nhau bằng những lộ nông thôn miền đồi núi và có trồng khôi phục rừng ở mức độ phù hợp, trồng cây, cỏ che phủ để chống xói mòn do mưa, có vườn cây trái để vừa làm kinh tế vừa tạo cảnh quan và làm trong lành môi trường.

Nhà nước, các địa phương cần quy hoạch và đầu tư hạ tầng để di dời dân vào các cụm dân cư an toàn và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân từng bước xây dựng nhà căn cơ, ổn định lâu dài, để sao cho 5 - 10 năm nữa nông thôn miền đồi núi thực sự đổi mới và đáng sống, không còn cảnh hàng năm phải chạy lũ, phải khắc phục, cứu trợ nữa.
NGUYỄN VĂN THƯỚC 
(Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Cà Mau)

Tin cùng chuyên mục