Chủ động sống chung với lũ

Sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở Lào đã trôi qua hơn một tháng nhưng “dư chấn” của nó vẫn đang âm ỉ tác động lên dòng Mê Công. Cả Campuchia và Việt Nam đang đối diện với những diễn biến khó lường của mùa lũ năm 2018. Nằm ở hạ lưu sông Mê Công, ĐBSCL chịu sự chi phối rất lớn từ diễn biến của lũ. ĐBSCL không nên chủ quan sau nhiều năm vắng lũ! Cần tận dụng mùa lũ để cân bằng sinh thái, tạo nguồn dự trữ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp. 

Hiện mực nước sông Cửu Long đang lên và đã vượt mức báo động (BĐ) 1 ở vùng đầu nguồn. Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Dự báo ngày 29-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,12m, trên BĐ2 0,12m; tại Châu Đốc lên mức 3,65m, trên BĐ2 0,15m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ1 -BĐ2, có nơi trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã nâng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 2. Bộ NN - PTNT khuyến cáo: Đối với vùng ngoài đê bao, khi nước lé đé ngập lúa, nông dân nên thu hoạch lúa sớm cho ăn chắc.

Hiện 4 địa phương đang bị nước lũ uy hiếp là An Giang, Đồng Tháp, Long An và Cần Thơ đang huy động nhiều nguồn lực để gia cố các đê bao để bảo vệ diện tích sản xuất lúa. Song, tại An Giang đã xảy ra tình trạng nước tràn vào đê bao do vỡ miệng cống đê bao ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn. Đây cũng là lời cảnh báo chung cho ĐBSCL về những rủi ro luôn rình rập từ mùa lũ.

Nước lũ đổ về mạnh và có khả năng tiếp tục dâng cao, tỉnh An Giang đã sẵn sàng phương án xả lũ đập Tha La và Trà Sư ở vùng đầu nguồn. Còn tại khu vực Bắc Cái Sắn - Cần Thơ tiếp giáp với An Giang (nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên), nước lũ dâng cao uy hiếp nhiều nhà dân. Nếu An Giang xả lũ ở các đập thì chưa biết tác động thế nào đến sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng giáp ranh như Cần Thơ, Kiên Giang. Đây là điều mà các địa phương cần phối hợp xác định thời gian và thông báo cho người dân biết để giảm thiểu rủi ro cho người dân.

Các nhà khoa học đã chỉ ra: Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, các năm 1961, 1978, 1984, 1991, 1994, 1996, 2000, 2001 và 2002 là những năm xảy ra lũ lụt lớn ở ĐBSCL. Diễn biến ở ĐBSCL thông thường khoảng 4 - 6 năm tại ĐBSCL có một trận lũ lụt lớn. Song trong 10 năm trở lại đây, sự bùng nổ xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mê Công đã làm giảm nguồn nước, gần như nước lũ về rất ít ở ĐBSCL. Cũng từ đó, ĐBSCL liên tục đối diện với thiếu nước ngọt nghiêm trọng trong mùa khô.

Cùng lúc này, biến đổi khí hậu (BĐKH) đẩy tình trạng nước biển dâng cao, làm nước mặn lấn sâu vào nội đồng gây thiệt hại nghiêm trọng cho ĐBSCL. Đỉnh điểm là trận hạn mặn khốc liệt năm 2016, làm hàng triệu người dân thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm ngàn hécta đất trồng lúa, cây ăn trái bị thiệt hại. Sạt lở gia tăng khắp vùng trong đó có nguyên nhân do thiếu phù sa bồi bổ từ dòng Mê Công, kéo theo tình trạng sụp lún đất ở nhiều địa phương.

Cùng lúc này, Chính phủ đã huy động những nguồn lực và tận dụng ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học trong và ngoài nước để ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công”.

Nghi quyết 120/NQ-CP không chỉ đưa ra các giải pháp về ứng phó với nước biển dâng, hạn - mặn mà còn nhấn mạnh đến vấn đề lũ lụt: “Trước hết, cần rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và vùng kinh tế nước lợ, nước mặn…”.

Lũ lụt ở ĐBSCL một thời đã gây thiệt hại nghiệm trọng về tính mạng, tài sản của người dân trong vùng. Từng xem lũ là thiên tai, ĐBSCL đã chuyển từ “né lũ, nắn lũ” rồi đến “sống chung với lũ”. Song, như Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay: “Chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”. Chính vì vậy, các địa phương cần nhanh chóng rà soát đánh giá và bổ sung các giải pháp, tận dụng tốt cơ sở hạ tầng đã được đầu tư trong 20 năm qua, để có thể “chủ động sống chung với lũ” như Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đặt ra.

Tin cùng chuyên mục