Chủ động ứng phó với thiên tai

Những ngày vừa qua, cả Nam bộ căng mình phòng chống bão số 9, nhất là dãy đất duyên hải phía Đông từ Vũng Tàu đến Bến Tre. Lệnh cấm đi biển được ban hành, chính quyền tổ chức di dời dân cư đến nơi an toàn, người dân gia cố, chằng néo nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại.

Có lẽ những mất mát, đau thương do cơn bão số 9 (bão Durian) gây ra cách nay 12 năm, hay xa hơn nữa, bão Linda năm 1997 đã làm thay đổi tập quán và ý thức của người dân Nam bộ về thiên tai. Bao đời nay, Nam bộ được xem là vùng đất mưa thuận gió hòa, miền Trung mới là nơi gánh chịu bão lụt. Vì tâm lý đó, việc ứng phó với thiên tai lâu nay bị xem nhẹ. Người Nam bộ hay chủ quan, cho rằng làm gì xứ mình bị bão tố, nên cất nhà thô sơ ven sông rạch, làm ăn sinh sống ven sông, ven biển mà không hề chú ý đến cảnh báo của cơ quan chức năng. 

Bão Linda 1997 làm hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, hơn 3.000 tàu bị đánh chìm, 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000ha nuôi trồng thủy sản và 320.000ha lúa bị ngập; ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng; trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương. Cơn bão Durian năm 2006 đã làm 50 người chết, 55 người mất tích, 409 người bị thương (164 người bị thương nặng); tổng cộng đã có 119.314 nhà bị sập, đổ, tốc mái, 888 tàu thuyền bị chìm, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; trong đó, Tiền Giang và Bến Tre là 2 địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Những con số thống kê đó và khung cảnh tang thương là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người dân vùng bị bão đi qua. Nhưng ở những nơi bão chưa tác động đến, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, xem thường thiên tai. Khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã liên tục cảnh báo về hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nam bộ nay đã không còn là vùng đất mưa thuận gió hòa nữa, mà là vùng đất dễ tổn thương.

Theo các nhà khoa học, đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có khoảng 45% đất có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Trung bình năng suất lúa có thể giảm 20% - 25%, thậm chí đến 50%. Diện tích và sản lượng nông nghiệp suy giảm, đe dọa an ninh lương thực, đói nghèo gia tăng, môi trường và tài nguyên thiên nhiên sẽ suy kiệt. Vùng đất này, từ ngập lụt, sạt lở, hạn hán đến bão tố đều có thể xảy ra và rất khó dự báo chính xác. Vì thế, để cuộc sống ổn định và an toàn, bên cạnh các giải pháp của chính quyền, hơn lúc nào hết, người dân cần thay đổi tập quán, thói quen mưu sinh để giảm thiểu thiệt hại cho mình và cho cả cộng đồng!

Tin cùng chuyên mục