Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Mỗi tỉnh sẽ có ít nhất 1 sân golf trở lên

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, đầu tư sân golf là một trong những chiến lược kinh doanh của tập đoàn. 

 * PHÓNG VIÊN: Ông có thể giải thích rõ lý do FLC đang sở hữu nhiều sân golf nhất Việt Nam?

                                                     

Ông Trịnh Văn Quyết

 Ông TRỊNH VĂN QUYẾT: Chúng tôi có 29 sân golf đang và sắp đi vào hoạt động trên khắp cả nước. Trong mục tiêu tới đây, FLC đưa ra kế hoạch sở hữu khoảng 100 sân golf vào năm 2022 trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Tùy theo từng địa phương với những đặc điểm khác nhau, FLC sẽ có chiến lược đầu tư riêng, nhưng mỗi tỉnh sẽ có ít nhất 1 sân golf, tỉnh nhiều sẽ có hàng chục sân golf.

Các sân golf của FLC có tiêu chuẩn 5 sao với những yêu cầu đặc biệt khắt khe từ khâu thiết kế đến thi công, vận hành. Đồng thời, FLC cũng là nơi có nhiều giải golf lớn, quy tụ hàng nghìn golfer trên khắp cả nước tham dự. Các giải golf của tập đoàn đều thuộc nhóm đầu thế giới về số lượng người tham dự giải.

* Ông nói đến kế hoạch 100 sân golf trên khắp cả nước vào năm 2022. Đây là một con số rất lớn và có cảm giác như chưa thực sự phù hợp với Việt Nam?

Đó là kế hoạch hết sức nghiêm túc của FLC, mang tính kinh tế, chứ không phải là đầu tư cho vui. Tập đoàn đã làm việc với ban thường vụ 46/63 tỉnh, thành phố; đã và đang đầu tư, khai thác dự án tại 30 địa phương, với nhiều hạng mục khác nhau như: resort, khách sạn nghỉ dưỡng, sân golf, dự án nông nghiệp… Các dự án FLC đã đầu tư đều là những dự án lớn, với các hạng mục khác nhau.

                           FLC muốn xây dựng một chuỗi dịch vụ khép kín

Còn vì sao lại là sân golf, thì đó là câu chuyện khác. Tôi đam mê golf, nhưng đầu tư sân golf là việc kết hợp giữa đam mê, làm kinh doanh và khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong chiến lược kinh doanh của FLC tại các địa phương, sân golf là một dự án, còn các dự án thì phải phụ thuộc vào đặc điểm của từng địa phương.

Ví dụ, địa phương có thế mạnh về nông nghiệp thì kết hợp sân golf với các dự án nông nghiệp, khu đô thị thông minh, du lịch sinh thái… Với địa phương có thế mạnh về biển thì có thể theo mô hình đã đầu tư là quần thể resort nghỉ dưỡng, sân golf, khu đô thị…

Chủ trương của Chính phủ trong phát triển kinh tế là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng muốn vậy thì phải có hạ tầng du lịch. Việc xây các khu resort, sân golf, thậm chí Bamboo Airways… cũng là một phần trong chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và giữ chân du khách. Tôi muốn xây dựng một chuỗi dịch vụ khép kín của FLC, không chỉ ở các loại hình dịch vụ, mà còn khép kín ở khắp lãnh thổ Việt Nam. Khách du lịch có thể đi lại bằng Bamboo Airways để di chuyển giữa các khu nghỉ dưỡng ở xa, sử dụng toàn bộ các dịch vụ nghỉ dưỡng, thể thao, trải nghiệm tại các quần thể FLC.

Với mỗi vùng đất, tùy theo đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý… của địa phương mà có loại hình du lịch khác nhau, nhưng dù ở loại hình du lịch nào, ở đâu, thì theo nhu cầu khách hàng, họ có thể đi và sử dụng được dịch vụ ăn, nghỉ, sinh hoạt tại FLC.

Thực tế cho thấy, những địa phương có dự án của tập đoàn đều có sự thay đổi lớn. Tôi tin rằng, nơi nào hạ tầng du lịch phát triển, nơi đó thu nhập của người dân sẽ được cải thiện, không chỉ nhờ việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, mà còn là tăng sử dụng dịch vụ của du khách. Đây cũng là một động lực để FLC cống hiến nhiều hơn nữa.

* Với việc đầu tư đồng loạt nhiều sân golf trong vài năm tới, FLC có duy trì tiêu chuẩn này hay không?

 * Các sân golf của FLC đều gắn liền với chuỗi resort tiêu chuẩn 5 sao. Quan điểm của chúng tôi là sẽ duy trì tiêu chuẩn cao cấp ấy đối với toàn bộ hệ thống sân golf mà tập đoàn xây dựng, vận hành. Với tiêu chí đó, FLC chú trọng ngay từ khâu thiết kế, khi thuê các đơn vị thiết kế, thi công sân golf hàng đầu thế giới đến từ Hoa Kỳ như: Nicklaus Design, Schmidt-Curley Design trong thiết kế, giám sát thi công bởi Flagstick, nhằm tạo ra sân golf tiêu chuẩn 5 sao, phù hợp với địa hình nơi triển khai dự án với thiết kế hài hòa cảnh quan, phối hợp cây xanh, đụn cát, đá, hồ nước, suối, các bẫy… nhằm tạo ra tổng thể sân golf không chỉ đẹp mà còn có những đường golf theo chuẩn quốc tế và độ khó thách thức golfer.

Đồng thời, trong khâu vận hành, FLC chú trọng việc chăm sóc sân golf và các dịch vụ nhằm giúp người chơi có được trải nghiệm tốt nhất, hài lòng nhất tại đây.

* Còn về mảng nông nghiệp thì sao?

* Với mảng nông nghiệp, chủ trương của FLC kết hợp giữa phát triển nông nghiệp phục vụ xuất khẩu và thị trường gần 100 triệu dân trong nước với phục vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Theo đó, ngoài việc làm nông nghiệp quy mô lớn phục vụ kinh doanh thông thường, FLC sẽ phát triển mảng du lịch sinh thái với các resort xanh trong lòng nông nghiệp, để không chỉ mang đến cho du khách khi đến với FLC nguồn thực phẩm chất lượng đảm bảo, tươi ngon nhất, mà còn cho họ trải nghiệm cảm giác tự làm ra sản phẩm nông nghiệp ấy.

Ngoài các dự án đã triển khai, FLC đã làm việc với nhiều địa phương như: Sơn La, Đồng Tháp, các tỉnh khu vực Tây Nguyên… để triển khai mảng nông nghiệp kết hợp với du lịch nông nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục