KỶ NIỆM 56 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2010)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ - Bản hùng ca lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến dịch Điện Biên Phủ

Công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được ráo riết tiến hành ngay từ đầu tháng 12 năm 1953. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận. Chính phủ tổ chức Hội đồng cung cấp mặt trận trung ương, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch và hội đồng cung cấp  mặt trận các cấp.

Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ Quyết chiến quyết thắng cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công. Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm: Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, nhân dân ở vùng tự do, vùng Tây - Bắc mới giải phóng tập trung sức người, sức của cho chiến dịch… Đông đảo dân công nam nữ ngày đêm trèo đèo lội suối, không ngại gió rét, sự oanh tạc của máy bay địch và những quả bom chờ nổ, quyết tâm vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc.

Trên 26 vạn dân công ở mọi miền đã phục vụ cho tiền tuyến trên ba triệu ngày công. Chỉ riêng ở tuyến hậu cần của chiến dịch đã có hơn 33.500 người phục vụ; nhân dân đóng góp 27.400 tấn gạo; đồng bào vùng mới giải phóng đóng góp vượt mức với 7.300 tấn lương thực.

Việc cung cấp tiếp tế cho một lực lượng lớn tác chiến trên một mặt trận rất xa hậu phương trong một thời gian dài đã được đảm bảo. Nhân dân ta đã lập nên một kỳ công ngoài sự ước lượng của địch…

Đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt đã hoàn thành.

Ngày 11-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi thư động viên đến các chiến sĩ: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã chiến thắng trên các mặt trận. Bác tin rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.
Bác hôn các chú”.

Theo lời Bác, toàn thể cán bộ chiến sĩ đã sẵn sàng và đã làm nên một chiến thắng vang dội.

(Theo  Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam)

Điện Biên Phủ - Bản hùng ca lịch sử

(SGGP). - Trong những ngày kỷ niệm 56 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, NXB Kim Đồng đã ra mắt độc giả cuốn sách ảnh “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca lịch sử”.

Được biên tập, lựa chọn từ hàng vạn bức ảnh tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ, cuốn sách đã đưa tới cho người xem những góc nhìn mới, nhiều cảm nhận chân thực về chiến thắng bằng sức mạnh ý chí, tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ đã được xuất bản nhiều nhưng với độc giả thì “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca lịch sử” là cuốn sách ảnh đầu tiên được ra mắt.

Không chỉ ghi lại không khí, thời khắc lịch sử, dưới mỗi bức ảnh, đều có những phân tích khúc chiết cùng những con số tương quan lực lượng về tình hình ta và Pháp. Mở đầu là những số liệu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và Việt Nam của quân Pháp bước vào năm thứ 8 trước khi bước vào Đông - Xuân 1953-1954; những hình ảnh tướng E-ly, Pháp, sang cầu cứu, xin Mỹ chi viện không quân cho Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1953; hình ảnh quân địch nhảy dù kết hợp với đổ bộ, biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm gồm các tiểu đoàn bộ binh và quân dù thiện chiến nhất, có hỏa lực mạnh của pháo binh, xe tăng không quân...

Không khí “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã lan tỏa và hừng hực trong từng bức ảnh với hơn 20.991 chiếc xe đạp thồ chở hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí ra mặt trận. Đèo Lũng Lô, sở chỉ huy Mường Phăng, cụm cứ điểm Him Lam, giao thông hào cuốn quanh đồi A1 và những chiến sĩ Điện Biên trong chiếc áo trấn thủ phất cao lá cờ Việt Nam trên hầm tướng De Castries... tất cả đều được ghi nhận sống động qua những khuôn hình của các nhiếp ảnh gia chiến sĩ.

V. XUÂN

Tin cùng chuyên mục