Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói gì về “thảm họa” từ lễ hội âm nhạc?

"Việc chạy theo số đông, chạy theo lợi nhuận cũng là cái để người ta quên đi những yếu tố khác như văn hóa, bản quyền, luật pháp, trật tự an ninh… Việc cấp phép bây giờ, theo tôi hiểu, chỉ đơn thuần là trên giấy", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định.

Ngày 19-9, chia sẻ với SGGP xung quanh việc 7 người tử vong sau khi tham dự lễ hội âm nhạc điện tử ở Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng một trong những nguyên nhân là sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức, tâm lý a dua, a tòng chạy theo đám đông mà không phải thưởng thức nghệ thuật.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng ghi nhận những nỗ lực trong việc đưa được nhiều loại hình giao lưu âm nhạc quốc tế, đưa được những xu hướng thưởng thức, trình diễn âm nhạc mới góp phần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ trong thời gian vừa qua.

“Lễ hội âm nhạc điện tử được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây vừa qua là một hoạt động xã hội, không nằm trong tổ chức chuyên môn nào cả. Chương trình đã xảy ra nhiều sự việc đau xót song cũng phải thừa nhận các sự kiện âm nhạc thu hút lượng khán giả lớn lên tới 5.000 người như vậy cũng đánh dấu những chuyển biến trong hoạt động nghệ thuật” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Song, ông cũng chỉ ra rất nhiều lỗ hổng trong công tác tổ chức, quản lý loại hình sinh hoạt văn hóa du nhập này.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói gì về “thảm họa” từ lễ hội âm nhạc? ảnh 1 Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phân tích: “Trước đây các chương trình thường chỉ bó gọn trong nhà hát với lượng khán giả hạn chế như Trung tâm hội nghị quốc gia, Cung hữu nghị, Nhà hát lớn… thì các không gian biểu diễn chuyên nghiệp có đầy đủ trang thiết bị về âm thanh và ánh sáng rất hạn chế vì thế việc bung ra các sân khấu ngoài trời là một xu hướng tất yếu”.
Song cần khẳng định "đây là hình thái sinh hoạt văn hóa mới" - chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, vì thế rất cần phải có những định hướng, cái nhìn quản lý rộng hơn.
"Trước hết là điều kiện không gian biểu diễn, tiếp đó là tổ chức biểu diễn và thành phần tham dự. Thành phần này không chỉ đơn thuần là người mua vé mà là những người đã được trang bị kiến thức nền đủ để tiếp nhận, trải nhiệm loại hình âm nhạc mới, văn hóa mới. Không phải là đến tham dự kiểu "a dua" theo trào lưu hay số đông mà bản thân những chương trình dù nghề nghiệp gì, độ tuổi nào thì cũng phải có nhận thức cơ bản nền tảng về loại hình nghệ thuật mà họ sẽ trải nghiệm (điều này không dễ có ngay được mà cần phải có sự bồi dưỡng, tích lũy) để họ có thể nhận thức được thế nào là DJ, thế nào là ngẫu hứng, thế nào là hay, là dở…", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
"Tóm lại, khâu chuẩn bị của chúng ta chưa đi kịp với sự phát triển của các loại hình", nhạc sĩ Hồng Quân khẳng định.

"Chúng ra đưa đến cho khán giả loại hình âm nhạc mới, đồ sộ nhưng đó chỉ là bề nổi. Còn nội hàm, yếu tố cấu thành của đêm diễn lại chưa được quan tâm vì thế sẽ xảy ra các chuyện người thì đến để thưởng thức nghệ thuật, người đến để hò hét, người thì đến chỉ với mục đích tận dụng không khí số đông để kích hoạt những phần ẩn sâu trong họ thường ngày bị công việc, bối cảnh khỏa lấp…"

"Việc chạy theo số đông, chạy theo lợi nhuận cũng là cái để người ta quên đi những yếu tố khác như văn hóa, bản quyền, luật pháp, trật tự an ninh, cách tổ chức đại nhạc hội… Tựu trung, mảng chìm trong công nghiệp giải trí thiếu, yếu và chưa có tính chuyên nghiệp, vì thế mới dễ dàng xảy ra những sự vụ đáng tiếc như lễ hội âm nhạc vừa rồi”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định.
"Đáng tiếc hơn việc này lại xảy ra tại Hà Nội, trung tâm văn hóa đi đầu trong tất cả các loại hình từ âm nhạc giải trí đến âm nhạc cộng đồng, âm nhạc đỉnh cao. Sự việc này làm mất đi "thương hiệu" của thủ đô văn hóa", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói gì về “thảm họa” từ lễ hội âm nhạc? ảnh 2 Lễ hội âm nhạc điện tử tại công viên nước Hồ Tây
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cho rằng việc nhận diện hoạt động nghệ thuật mới cũng cần khẩn trương bổ sung yêu cầu về không gian trình diễn.
Yếu tố này đặc biệt quan trọng bởi chương trình với khán giả đông thì rất khác tổ chức trong khán phòng và chính không gian biểu diễn sẽ định hình cho người giám sát. Họ sẽ không chỉ giám sát về bài hát mà còn mọi khâu khác như có bắn pháo hoa, pháo sáng không… Tính chuyên nghiệp là phải đi đôi với chi tiết hóa trong mọi lĩnh vực.
Chúng ta vừa mới, vừa yếu, vừa thiếu trong lĩnh vực này. Mong mỏi có một bộ máy chuyên nghiệp để có thể xây dựng được môi trường nghệ thuật Việt Nam theo quy chuẩn quốc tế.
"Việc cấp phép bây giờ, theo tôi hiểu, chỉ đơn thuần là trên giấy, đôi khi họ cũng không sâu sát lắm. Khâu then chốt là thẩm định, không chỉ là cấp phép mà khẳng định là đủ điều kiện để biểu diễn được thì không chỉ là chuyên môn mà còn phải bao gồm nhiều lĩnh vực khác. Phải đồng bộ, tránh đi những lỗ hổng, tính hoàn thiện phải rất nhanh và gấp. Mỗi mùa, mỗi năm lại sinh ra các loại hình mới, nếu không có cái nhìn toàn diện thì đôi khi sẽ vấp phải những sự việc đáng tiếc như xảy ra trong lễ hội vừa qua”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phân tích khi nói về khâu quản lý.

Tin cùng chuyên mục